Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên tổng diện tích gần 300.000 ha cây ăn trái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ có khoảng 1% được chứng nhận GAP. Tỷ lệ này cho thấy việc ứng dụng các mô hình sản xuất hiện đại cho nông sản của vùng vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó, hiểu đúng về lợi ích của chứng nhận GAP và có giải pháp để đảm bảo giá cả, đầu ra cho nông sản theo mô hình này là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Tiêu chuẩn GAP - thực hành nông nghiệp tốt là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, đủ sức cạnh tranh, vươn ra thị trường thế giới. Ở nước ta, VietGap là mô hình đang được ứng dụng nhiều nhất, nhằm hướng đến những sản phẩm sạch, có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, nói: “Sản xuất theo GAP là yêu cầu mà ngành nông nghiệp phải hướng theo để làm ra sản phẩm đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng và an toàn cho người sử dụng”.
Theo ngành nông nghiệp các địa phương ở ĐBSCL, khi đạt tiêu chuẩn VietGap, đồng nghĩa nông sản được sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt như các quốc gia khác. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay chính là làm thế nào để người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu chấp nhận chất lượng của loại nông sản này.
Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, cho biết: “Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, theo tôi, khâu tuyên truyền đến với người tiêu dùng là quan trọng nhất”.
Một nút thắt cần sớm được tháo gỡ là hiện nông sản đạt tiêu chuẩn GAP của ĐBSCL gần như chưa có kênh tiêu thụ riêng nên những sản phẩm này lại bị đánh đồng với nông sản thường là điều dễ hiểu. Các chuyên gia cho rằng, điều cần làm là tăng cường liên kết giữa các nhà để xây dựng kênh tiêu thụ đảm bảo ổn định giá cả và đầu ra sản phẩm.
PGS-Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói: “Chắc chắn chúng ta phải liên kết để tìm kiếm đầu ra. Thị trường yêu cầu cái gì chúng ta sẽ làm đúng theo yêu cầu của thị trường. Khi thị trường yêu cầu, nông dân hay một tổ hợp tác phải đáp ứng được trên cơ sở định hướng của nhà khoa học”.
Với tỷ lệ chưa tới 1% diện tích cây ăn trái của vùng ĐBSCL được chứng nhận GAP, lần nữa cho chúng ta thấy nông dân dần xa rời mô hình này. Do đó, ngoài những giải pháp từ các nhà khoa học, thì các Bộ, ngành và địa phương cần sớm ban hành những cơ chế, chính sách, dự án để đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.