Đề xuất áp dụng giá sàn trong khung thuế bảo vệ môi trường xăng dầu năm 2023

TTXVN-Thứ hai, ngày 05/12/2022 20:48 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến đối với dự thảo lần 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2023.

Theo đó, thay vì kiến nghị áp dụng thuế suất linh hoạt 4 mức thuế tùy theo diễn biến giá dầu thô thế giới thì Bộ Tài chính lại đề xuất tiếp tục áp dụng mức giá sàn trong khung thuế trong cả năm 2023.

Tại tờ trình lấy ý kiến dự án Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương, dự báo năm 2023 giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ở mức 95-105 USD/thùng (giảm 12-20% so với ước giá bình quân năm 2022).

Như vậy, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm ước năm 2023 tuy có giảm so với ước giá bình quân năm 2022 nhưng vẫn còn ở mức cao, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng và sử dụng xăng dầu tăng cao để phục hồi kinh tế sau đại dịch, dự báo sản lượng xăng dầu tiêu thụ năm 2023 vào khoảng 14,50 triệu m3 (hoặc tấn), tăng khoảng 10% so với sản lượng tiêu thụ năm 2022.

Trong khi đó, theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 thì từ ngày 01/01/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ dầu hỏa) sẽ trở về mức trần trong Biểu khung thuế, từ mức giá sàn đang áp dụng hiện nay. Theo đó, giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tăng lên tương ứng.

Bộ Tài chính cho rằng việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng từ mức sàn về mức trần từ ngày 01/01/2023 (giai đoạn cận kề Tết Nguyên đán) sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát và sẽ tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần phải có giải pháp để góp phần ổn định giá xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023.

Để tránh những tác động tiêu cực này, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2023 như năm 2022 (áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế như quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của UBTVQH).

Theo đó, các mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng sẽ giảm từ 4.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 01/01/2024, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ quốc hội, tức là mức trần trong khung thuế.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần kìm hãm sự tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm chỉ số CPI, kiềm chế lạm phát và hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế khi giá xăng dầu vẫn còn ở mức cao.

Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ làm giảm giá xăng dầu, từ đó sẽ có tác động tích cực đến đến sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp,

Bộ Tài chính cho rằng việc kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đánh giá là chưa phù hợp với bản chất, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường (là khoản thu đối với hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu hạn chế việc sản xuất, nhập khẩu những hàng hóa này để góp phần bảo vệ môi trường) và ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0".

Trước đó, tại dự thảo lần 1, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng 4 mức thuế trong năm 2023, tùy theo diễn biến giá dầu thô mà không cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước