Dự thảo Nghị quyết chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng
Sáng 31/5, tiếp tục kỳ họp 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo Quốc hội tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Một trong các chính sách mới được đề xuất là cho phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Đây là một mô hình mới hoàn toàn và chưa được luật hóa tại Việt Nam. Nội dung này đã thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp và các nhà đầu tư bởi nếu được thực thi, sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, du lịch dịch vụ và bất động sản tại Đà Nẵng.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về khu thương mại tự do. Tuy nhiên, đây là mô hình phổ biến đã có tại 150 quốc gia với việc không ngừng điều chỉnh, áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranh để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tư do thành công trên thế giới như là của EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc thì dự thảo nghị quyết cho phép thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục đích thu hút đầu tư và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao tài chính thương mại du lịch và dịch vụ chất lượng cao".
Đà Nẵng được coi là một trong những thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, việc thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn có đủ căn cứ chính trị và pháp lý.
"Đây là chính sách mang tính đột phá, thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và TP Đà Nẵng trong việc áp dụng mô hình phát triển tiên tiến của thế giới. Nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và của cả vùng", ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá.
Dự kiến, khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ gồm 3 khu chức năng: sản xuất; hậu cần cảng - logistics và thương mại - dịch vụ. Trước đó, Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua các mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như: Khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do để hội nhập sâu với kinh tế quốc tế.
Cơ chế đặc thù tạo động lực để kinh tế bứt phá
Chiều 31/5, Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận tổ về nội dung trên, nhiều đại biểu nhất trí cao về các nội dung được nêu trong dự thảo. Trong đó, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua 30 chính sách, trong có 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị và 21 chính sách đặc thù thí điểm phục vụ việc phát triển Đà Nẵng được cho sẽ là những động lực quan trọng để thành phố có thể bứt phá ở nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt trong tương lai.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù của TP Đà Nẵng đã đảm bảo đẩy đủ các căn cứ pháp lý, thực tiễn và tính cấp thiết xem xét ban hành ngay trong kỳ họp này.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết: "Phát huy tính ưu việt khắc phục những khó khăn vướng mắc và cũng là tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng lợi thế tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng".
Một số đại biểu cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù sẽ là đòn bẩy cho các lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo hay du lịch dịch vụ, thị trường địa ốc. Tuy nhiên, để quá trình thực thi đạt hiệu quả cũng cần thêm đặc thù trong một số thủ tục hành chính.
"Ngoài việc chúng ta giao rất nhiều chính sách đặc thù cho địa phương đó thì cái quan trọng nhất là phải cho phép đặc thù về quy trình thủ tục, thậm chí giao cho UBND thành phố được quy định một số thủ tục hành chính", Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nêu ý kiến.
Cơ chế đặc thù được cho sẽ là những động lực quan trọng để thành phố Đà Nẵng có thể bứt phá ở nhiều lĩnh vực kinh tế.
Đối với cơ chế xây dựng khu thương mại tự do, có ý kiến cho rằng, nhìn từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy đây sẽ là mô hình kinh tế có thể mang lại lợi ích kép cho nhiều lĩnh vực kinh tế của Đà Nẵng.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đánh giá: "Trong khu thương mại tự do có cả khu phi thuế quan và khu hàng miễn thuế điều này cũng sẽ là một dịch vụ, sản phẩm mới để làm mới hơn sản phẩm du lịch hiện có tạo thêm sức hút của một điểm đến trong cung ứng tất cả các dịch vụ mà du khách có nhu cầu. để thúc đẩy mạnh hơn du lịch của Đà Nẵng cũng như của khu vực".
Theo ông Nguyễn Văn Quảng - Bí Thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: "Xây dựng chính sách để một là chủ động về nguồn lực tự chủ về nguồn lực của thành phố và thứ hai là huy động được nguồn lực của xã hội để cho đầu tư phát triển đây cũng là những điểm rất mới so với các địa phương khác".
Một số đại biểu cũng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện các chính sách đặc thù dài hơn thời hạn 5 năm được quy định trong dự thảo nghị quyết.
Chính sách đột phá cho Đà Nẵng thu hút nhà đầu tư chiến lược
Thực tế, việc thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù của TP Đà Nẵng đã được thực hiện từ khi Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 119 năm 2019. Sau 5 năm, dự thảo Nghị quyết lần này được xây dựng trên tinh thần tiếp tục các cơ chế chính sách đang thực hiện có hiệu quả; bỏ đi các nội dung, chính sách không còn phù hợp thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung thêm các chính sách mới. Nếu được thông qua đây được xem là cơ sở pháp lý hữu hiệu, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt, giúp Đà Nẵng trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Nhiều người nước ngoài đã chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống và lập nghiệp. Họ đánh giá thành phố có thủ tục hành chính, đất đai và hành lang pháp lý thông thoáng. Các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm tới đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Ông Seong Sangyeob - Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa đề xuất: "Dự án của chúng tôi đã bắt đầu triển khai từ năm 2017, trong thời gian đó đến hiện tại chính quyền thành phố Đà Nẵng đã luôn đồng hành hỗ trợ về thủ tục hành chính để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần phải có cơ chế đặc thù để phát triển chính sách nhà ở cao cấp, ưu tiên phát triển du lịch thu hút dòng khách cao cấp, nhất là châu Âu, châu Mỹ, du khách đến mua sắm không bị giới hạn số lượng và giá trị hàng hóa".
Theo quy hoạch, thành phố Đà Nẵng định hướng trở thành thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm tài chính quốc tế, quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Các chính sách đặc thù, với thủ tục rút gọn cũng tác động lan toả tới thị trường bất động sản của Đà Nẵng, gia tăng nhu cầu nhà ở, hình thành các dự án quy mô, hoàn thiện quy hoạch đô thị…
Hiện nay, sau gần 3 năm thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, Đà Nẵng từng bước tinh gọn bộ máy, tăng quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp quận, phường, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Bên cạnh đó, một điểm quan trọng được nhiều ý kiến đề cập đến là Đà Nẵng cần có chính sách đột phá để thu hút nhà đầu tư chiến lược, để Đà Nẵng trở thành "tổ của đại bàng", thu hút các tập đoàn lớn cả trong nước và nước ngoài tới đầu tư, tạo nên những công trình, đẳng cấp khác biệt.
Các chính sách đặc thù đã được áp dụng cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tiếp tục được điều chỉnh để áp dụng cho thành phố Đà Nẵng. Đây đều là các đô thị lớn nằm ở trung tâm của các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Do đó, nếu được thông qua và thực hiện có hiệu quả, các cơ chế chính sách đặc thù sẽ không chỉ mang lại giá trị trong phát triển kinh tế của địa phương, mà còn các tác động lan tỏa đến nền kinh tế của cả nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!