Đề xuất siết quản lý phòng cháy, chữa cháy cần có lộ trình

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 07/04/2023 06:30 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp đề xuất khi siết chặt quản lý phòng cháy, chữa cháy, các cơ quan nên có lộ trình để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất không bị đình trệ.

Thủ tướng ban hành công điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, đồng thời phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời sửa đổi, bổ sung; phân loại theo nhóm các công trình, cơ sở có vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; kịp thời hướng dẫn đầy đủ các quy định và giải pháp khắc phục.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc; làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi.

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm trong quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc hướng dẫn tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy.

"Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp FDI cũng thắc mắc chúng ta làm tiêu chuẩn quá cao. Phương thức kiểm định của chúng ta, thủ tục còn rầy rà, chính vì vậy cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Do đó, chúng tôi cho rằng công điện của Thủ tướng rất kịp thời", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, đánh giá.

Vướng mắc trong quy định phòng cháy, chữa cháy

Đề xuất siết quản lý phòng cháy, chữa cháy cần có lộ trình - Ảnh 1.

Công an kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại một quán karaoke. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Câu chuyện an toàn phòng cháy, chữa cháy thường xuất phát từ chính ý thức của doanh nghiệp. Tuy nhiên bên cạnh đó, ngay khi công điện được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự hoan nghênh và kỳ vọng công điện sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong việc tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy hiện nay. Bởi trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do không đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, nhiều đơn vị cũng phản ánh các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới về phòng cháy chữa cháy khi ban hành không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình, gây khó khăn, tăng chi phí tuân thủ. Bên cạnh đó, một số tiêu chuẩn khó thực hiện trong thực tế.

Quán karaoke Melody, quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã hoạt động được gần 10 năm. Đến thời điểm này, doanh nghiệp phải dừng hoạt động do chưa đạt quy định mới đối với hạng mục thang thoát hiểm, dù doanh nghiệp đã sửa chữa nhiều lần do quy chuẩn thay đổi.

"Cơ sở tôi đã xây dựng và được cấp phép hoạt động từ trước đó. Thang thoát hiểm không phải không khắc phục được, tuy nhiên chúng tôi đang lo lắng là chưa có hướng dẫn cụ thể. Thứ hai là nếu chúng tôi khắc phục thì quy chuẩn mới nhất hiện nay là quy chuẩn 06 năm 2022 là khi có cải tạo hoặc sửa chữa công trình sẽ bị áp quy chuẩn mới nhất là quy chuẩn 2022", chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, đại diện quán karaoke Melody, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.

Doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới, mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp. Đây là vướng mắc với nhiều đơn vị hiện nay. Nguyên nhân bởi chỉ trong vòng 18 tháng đã có 3 thông tư của Bộ Xây dựng và Bộ Công an liên quan đến nội dung về phòng cháy chữa cháy được bổ sung, thay thế.

"Doanh nghiệp rất lúng túng trong việc người ta đang đầu tư theo quy định cũ nhưng tới thời điểm kiểm định lại phải theo quy định mới và trong những thông tư đó thì có những quy chuẩn doanh nghiệp phản ánh chưa khả thi tại Việt Nam. Ví dụ như những tiêu chuẩn doanh nghiệp so sánh với quy chuẩn đang áp dụng tại Anh, hay các vật liệu chống cháy, sơn chống cháy chưa được cấp phép trên thị trường", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho hay.

Cũng theo đại diện các doanh nghiệp, hiện nay nhiều quy chuẩn của chúng ta đang được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, thậm chí còn cao hơn. Lấy ví dụ như quy định toàn bộ kết cấu thép phải sơn bằng loại sơn chống cháy, có chi phí cao. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam chưa có loại sơn nào được cấp phép đủ điều kiện. Điều này dẫn đến hệ quả không nghiệm thu được công trình mới.

"Lẽ ra phải cấp chứng chỉ kiểm định cho lô hàng để các nhà đầu tư mua cùng một lô hàng không phải kiểm định nhiều lần. Tuy nhiên hiện nay, cách làm của công an phòng cháy, chữa cháy của chúng ta là từng chủ đầu tư một, từng người sử dụng một đều phải đốt thử, rất tốn kém", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nhận định.

Cần ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn quy định phòng cháy, chữa cháy

Trước những vướng mắc trên, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sau công điện của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ sớm sửa đổi các quy định về phòng cháy, chữa cháy kịp thời, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

"1.600 doanh nghiệp tại Bình Dương, hàng nghìn doanh nghiệp tại Đồng Nai, cũng như nhiều tỉnh thành khác đang bị yêu cầu tạm dừng không nghiệm thu, không thẩm định, tạm dừng hoạt đông. Do đó chúng ta phải có giải pháp để hướng dẫn. Nếu chờ 1 năm nữa để ra thông tư mới thì chắc mấy nghìn doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Bóc tách nhóm này ra để xem các cơ sở đã xây, sửa theo quy chuẩn cũ mà bây giờ nghiệm thu khi quy định mới có hiệu lực thì cần phải ứng xử như thế nào? Số lượng ảnh hưởng này là không hề nhỏ", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc VP Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc VP Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nêu quan điểm.

Đề xuất siết quản lý phòng cháy, chữa cháy cần có lộ trình - Ảnh 2.

Công an kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

"Việc làm trước mắt để giải quyết được những tồn tại của doanh nghiệp là phải có hướng dẫn rất cụ thể về các điều khoản chuyển tiếp cho từng giai đoạn. Đặc biệt là tất cả các công trình đã thẩm duyệt thời điểm nào thì chúng ta nên nghiệm thu theo những công trình đã được thẩm duyệt", Đại tá Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC, Đại học Phòng cháy, Chữa cháy, nói.

Công tác nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy gần như là khâu cuối cùng trong việc phê duyệt dự án, giống như một nút thắt cổ chai, nếu không được xử lý dứt điểm, sẽ bị tắc, rất khó để các dự án được đưa vào hoạt động, kinh doanh.

Do vậy, các doanh nghiệp bày tỏ sự hoan nghênh khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc hiện nay. Các doanh nghiệp cũng đề xuất, khi siết chặt quản lý phòng cháy, chữa cháy, các cơ quan nên có lộ trình để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất không bị đình trệ. Tuy nhiên, trước hết, các cơ sở kinh doanh phải có ý thức và tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy, như vậy những tháo gỡ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng mới có ý nghĩa.

Doanh nghiệp kỳ vọng gỡ khó quy định phòng cháy, chữa cháy Doanh nghiệp kỳ vọng gỡ khó quy định phòng cháy, chữa cháy

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp cho biết, công điện của Thủ tướng đã ban hành rất kịp thời, có thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước