Đây là phương thức kinh doanh cho thuê nhà ngắn hạn dưới hình thức chia sẻ phòng thuê sử dụng dịch vụ Airbnb hoặc trên các nền tảng công nghệ tương tự. Trào lưu kinh doanh này bùng nổ tại các thành phố lớn của Việt Nam trong vài năm gần đây nhưng Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa tiên lượng, nên chưa có khung pháp luật điều chỉnh.
HoREA phân tích, Luật Nhà ở 2014 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong dự án. Điểm mâu thuẫn là luật này vẫn thừa nhận quyền được cho thuê của chủ nhà nhưng việc đăng ký kinh doanh lại vướng quy định không cho phép đăng ký kinh doanh tại căn hộ chung cư (kể cả đối với cả các doanh nghiệp siêu nhỏ dưới 5 lao động và sử dụng công nghệ thông tin, không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng).
Luật Nhà ở 2014 cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở nhưng vẫn thừa nhận quyền được cho thuê của chủ nhà.
Nghiên cứu thực tiễn tại các nước phát triển mô hình kinh doanh này cho thấy, người cho thuê nhà theo phương thức chia sẻ phòng thuê Airbnb phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Họ chỉ được cho thuê nhà trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào cho mô hình kinh doanh này.
Trên cơ sở tham khảo thực trạng kinh doanh Airbnb các nước, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày, hoặc 1-2 tuần...), là hoạt động kinh doanh hợp pháp. Người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, có thể cân nhắc bổ sung quy định người thuê chung cư để kinh doanh dịch vụ Airbnb đóng góp bổ sung kinh phí vận hành nhà chung cư nếu làm tăng thêm gánh nặng cho việc quản lý vận hành.
Chủ tịch HoREA nhận định đây là một trong nhiều hình thức hoạt động kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng công nghệ mới, tương tự như loại hình Uber, Grab, không gian làm việc chung (co-working space)... Điểm trừ lớn của mô hình kinh doanh này là vẫn còn nhiều lỗ hổng trong việc quản lý và phát triển bài bản tại thị trường Việt Nam nhưng ông Châu cho rằng Chính phủ có thể khắc phục nếu có sự can thiệp kịp thời.
Cần có hành lang pháp lý đầy đủ cho mô hình kinh doanh Airbnb.
Lỗ hổng pháp lý này làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp sử dụng nhà thuê sử dụng dịch vụ Airbnb để hoạt động tội phạm. Trên thực tế đã phát sinh xung đột lợi ích giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân. Nguyên nhân là do thường xuyên có người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư.
"Việc chuẩn bị hành lang pháp lý đầy đủ cho mô hình kinh doanh Airbnb vừa có thể giải quyết được bài toán quản lý tốt thị trường dịch vụ còn mới mẻ, vừa thúc đẩy theo hướng phát triển tích cực đồng thời còn mang lại nguồn thu ngân sách", ông Châu nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!