Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm gỡ các vướng mắc cho quá trình cải tạo chung cư cũ. Hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM được đề xuất chọn thí điểm cơ chế đặc thù.
Chung cư 30A Lý Thường Kiệt, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, sau khi được cải tạo đã trở thành một tòa nhà mới khang trang. Ngoài phần căn hộ được xây tái định cư tại chỗ, trả lại cho người dân, chủ đầu tư được kinh doanh tầng 1 và bán 1 số căn hộ thương mại ở tầng trên, với giá 300 triệu đồng/m2 - mức cao kỷ lục của thủ đô.
Cũng là dự án mất tới 10 năm mới thực hiện được việc cải tạo, các căn hộ ở chung cư B6 Giảng Võ hiện có giá trên 40 triệu đồng/m2.
Cả nước có hàng nghìn nhà chung cư cũ nhưng gần 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư được cải tạo, sửa chữa lại chưa đến 3%. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Rõ ràng, với vị trí đắc địa, trong khi quỹ đất hiện tại lại quá khan hiếm, rất nhiều doanh nghiệp nhòm ngó tới chung cư cũ. Tuy nhiên, từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, với quy định, muốn cải tạo chung cư cũ, doanh nghiệp cần phải tự thỏa thuận với cư dân và cần 100% ý kiến đồng ý thì sự nhiệt huyết của các doanh nghiệp giảm dần.
"Không bao giờ có được 100% cư dân đồng ý, nếu yêu cầu như thế việc cải tạo sẽ đi vào ngõ cụt", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu GP Invest nói.
Còn theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, quy định trong Luật Nhà ở áp dụng cho toàn quốc, trong khi Hà Nội và TP.HCM rõ ràng lại có những đặc thù riêng.
Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm gỡ các vướng mắc cho quá trình cải tạo chung cư cũ. Ảnh minh họa - Dân trí.
Trước các khó khăn vướng mắc, TP Hà Nội đã kiến nghị một số thay đổi về quy định trong cải tạo chung cư cũ đó là đề xuất chỉ khoảng 70% chủ sở hữu nhà chung cư cũ đồng ý là được thực hiện cải tạo, thay vì 100% như trước đây.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, mật độ dân số) tại 4 quận nội, thay vì phải báo cáo được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!