Đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014

VTV Digital-Thứ tư, ngày 20/10/2021 06:14 GMT+7

VTV.vn - Những ngày gần đây, thông tin về việc Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Sau 6 năm áp dụng, rất nhiều vấn đề mới của thị trường đã phát sinh, chưa có trong quy định luật, đòi hỏi phải có sự thay đổi. Đầu tiên là câu chuyện hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch condotel, căn hộ văn phòng officetel.

Dù đã xuất hiện rầm rộ suốt nhiều năm qua nhưng không ít khách hàng vẫn lầm tưởng loại hình này với căn hộ chung cư thông thường. Rất nhiều công trình sau khi đi vào hoạt động, cả người mua người bán đều "dò dẫm" tìm cách quản lý, chia lợi nhuận, gây ra không ít tranh chấp. Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong đề xuất sửa đổi, các loại hình bất động sản mới này sẽ có các quy định rõ ràng hơn.

Sửa Luật Kinh doanh Bất động sản gỡ vướng cho condotel

Thực tế, không ít hợp đồng mua bán căn hộ du lịch condotel, officetel được ký kết giống như căn hộ chung cư để ở. Ông Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn T&P, cho biết: "Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 mới chỉ đề cập tới các loại cơ bản thôi, chưa có các loại mới. Việc ban hành Luật mới cần được tiến hành càng sớm càng tốt, gỡ các nút thắt cho thị trường".

Đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 - Ảnh 1.

Hình minh họa. Ảnh: Dân trí

Bên cạnh các quy định về giao dịch, mua bán, người mua còn kỳ vọng về việc các căn hộ du lịch sẽ được cấp quyền sở hữu căn hộ, hay còn gọi là sổ đỏ.

Chị Nguyễn Phương Quỳnh, nhà đầu tư, nói: "Chủ đầu tư mà cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Nhà nước thu được thuế, chủ đầu tư bán được hàng, người mua nhà yên tâm".

Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, phạm vi của Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ chỉ đề cập tới các hoạt động ký kết hợp đồng, kinh doanh mua bán.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết: "Quy tắc và quy định hiện hành, có quy định về cấp giấy rồi, nhưng mỗi địa phương hiểu khác nhau, việc kiểm soát chưa được thông suốt. Tôi hi vọng Luật Đất đai sắp tới sửa sẽ có quy định về cấp giấy".

Băn khoăn về đề xuất buộc giao dịch bất động sản qua sàn

Trong đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản lần này, có một đề xuất gây tranh luận sôi nổi trong giới kinh doanh bất động sản những ngày qua. Đó là nội dung: Không cho phép cá nhân môi giới bất động sản độc lập và việc mua bán buộc phải tiến hành qua sàn giao dịch bất động sản. Điều này có nghĩa là sẽ chặn đứng việc các môi giới tự do, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ôm hàng, thổi giá, "ăn" chênh lệch rất phổ biến thời gian qua. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn băn khoăn về quy định này.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng: Đợt này, Bộ Xây dựng mạnh dạn đề xuất giao dịch bắt buộc qua sàn, môi giới phải thông qua các tổ chức, để đảm bảo quản lý được các hợp đồng, giao dịch này này.

Đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 - Ảnh 2.

Ông Trần Như Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển và Tăng trưởng Xanh: Chúng ta không thể sử dụng công cụ hành chính, yêu cầu sàn giao dịch báo cáo. Họ là 1 thực thể của thị trường, tuân theo quy luật của thị trường. Nếu người ta thấy việc cung cấp thông tin không hiệu quả, không mang lại lợi ích cho người ta, thì người ta không báo cáo đầy đủ. Đều hoạt động trên cơ sở thị trường, lợi nhuận, ko thể trách cứ người ta phải báo cáo đầy đủ.

Doanh nghiệp bất động sản đề xuất tháo gỡ khó khăn

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng Luật Kinh doanh Bất động sản có vai trò quan trọng không kém Luật Đất đai hay Luật Nhà ở. Rất nhiều hoạt động kinh doanh, mua bán trực tiếp tại các dự án, các sản phẩm nhà ở đều nằm trong Luật này. Hiện nay, Bộ Xây dựng vẫn đang quá trình lấy ý kiến rộng rãi.

Một số ý kiến cho rằng đang sự thiếu đồng nhất giữa các luật. Ví dụ, quy định về việc chuyển nhượng 1 phần hoặc toàn bộ các dự án bất động sản giữa các chủ đầu tư với nhau. Cụ thể, theo Luật Kinh doanh Bất động sản, phải có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh trước, sau đó 2 bên mới ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2020 lại quy định ngược lại, yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng trước, sau đó mới xin điều chỉnh dự án để cho phép chuyển nhượng.

Đề xuất sửa Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 - Ảnh 3.

Ông Lê Thành Vinh, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn T&P, cho biết: "Các bên khi ký hợp đồng rồi, lên gặp các cấp thẩm quyền thì họ bắt làm lại. Có những dự án họ không có năng lực triển khai, nếu tháo gỡ được nút thắt này, cho chủ đầu tư khác thực hiện tạo được dòng chảy. Nhiều dự án đắp chiếu cả chục năm không chuyển nhượng được".

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết, riêng lĩnh vực bất động sản có liên quan và được quy định trong rất nhiều Luật khác nhau. Bởi vậy, song song với việc sửa đổi Luật Kinh doanh Bất động sản, nhiều quy định trong các Luật khác cũng cần được điều chỉnh để tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, tiến trình sửa những nút thắt về mặt pháp lý sẽ được đẩy nhanh hơn, giúp khơi thông thị trường bất động sản. Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, khâu thực hiện thủ tục pháp lý hiện đang là rào cản lớn nhất, mất từ 2-3 năm, khiến quá trình xây dựng 1 dự án bất động sản tốn nhiều thời gian và chi phí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước