Đây là kiến nghị của Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) với Bộ Công Thương. Kiến nghị này được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp và tổng kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA có xu hướng giảm khi năm 2018 là 39%, năm 2020 chỉ còn 33%. Nguyên nhân được cho là các quy tắc về xuất xứ trong các FTA không dễ hiểu đối với các doanh nghiệp.
Để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu theo Hiệp định CPTPP, hàng dệt may phải đáp ứng xuất xứ từ nội khối là sợi trở đi. Theo VCCI, những ngày đầu CPTPP có hiệu lực, quy định này đã khiến cho không ít doanh nghiệp mất nhiều tháng để tìm hiểu.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho biết: "Lúc ban đầu được giải thích là bông phải được se sợi tại Việt Nam, nhưng sau này lại được giải thích khác đi. Phải 9 tháng để giải thích hợp lý cho doanh nghiệp. Nếu có tổ công tác, những việc như thế này sẽ được giải quyết nhanh hơn và giúp doanh nghiệp có cơ hội sớm hơn".
VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay tổ công tác về quy tắc xuất xứ theo các FTA, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ảnh minh họa - PLO.
Một số quy tắc xuất xứ cam kết lại được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không biết có được hưởng ưu đãi hay không? Ví dụ như hàng dệt len xuất khẩu vào EU trải qua 4 công đoạn: dệt, cắt, may, hoàn thiện thì được hưởng ưu đãi thuế quan.
Nhưng sản phẩm áo len của doanh nghiệp May Tinh Lợi, ngay từ lúc dệt đã gần hình thành tấm áo, không cần cắt mà có thể may hoàn thiện luôn. Sản phẩm tiết kiệm được quy trình sản xuất nhưng lại chưa thỏa mãn câu chữ trong hiệp định.
"Chúng tôi nhập sợi, dệt thành phẩm và may giáp, hoàn thiện, không trải qua giai đoạn cắt, không thỏa mãn câu chữ trong hiệp định, nên chúng tôi chưa được cấp xuất xứ ưu đãi đối với hàng len vào EU", ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi cho hay.
Đến nay Việt Nam đã tham gia, ký kết 14 FTA có hiệu lực, ngôn ngữ trong các thông tư về quy tắc xuất xứ theo các FTA không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công Thương. Do vậy, VCCI kiến nghị Bộ Công Thương thành lập ngay tổ công tác về quy tắc xuất xứ theo các FTA, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới xuất khẩu.
"Chúng tôi mong là tổ công tác này sẽ như ngọn đèn Hải Đăng, tất cả các doanh nghiệp xa gần đều có thể biết được đầu mối là nếu có bất kỳ vấn đề gì về quy tắc xuất xứ đều có thể đến địa chỉ này", bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, giá nguyên phụ liệu, giá cước vận tải tăng cao, việc giúp cho doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ thuế quan, sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam được cộng thêm điểm cạnh tranh với các hàng hóa khác.
Sẽ nghiên cứu triển khai cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ
Trước kiến nghị của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ chưa tính đến việc thành lập tổ công tác về xuất xứ theo các FTA, nhưng để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hiện nay Bộ đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp nhận và trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, một số mặt hàng theo các FTA đã có thuế bằng 0, do vậy doanh nghiệp không nhất thiết phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/0) khi xuất khẩu. Vì vậy, số liệu thống kê của VCCI cũng chưa phản ánh hết thực tế việc số lượng doanh nghiệp sử dụng ưu đãi thuế quan bị giảm.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để triển khai rộng rãi cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên, thực tế có một số doanh nghiệp xuất khẩu bị lúng túng trong quá trình đọc, hiểu các hiệp định là việc có thật, do vậy trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các Hiệp hội để tăng cường tập huấn cho các doanh nghiệp, theo hướng chuyên sâu đối với từng ngành, hàng. Đặc biệt là áp dụng việc cấp C/0 qua mạng.
Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: "Bộ Công Thương cũng đã tập trung vào từng nhóm mặt hàng để phổ biến ví dụ như thủy sản nên chọn cái ưu đãi nào và tập trung nhóm thị trường... Bên cạnh phổ biến về quy tắc xuất xứ thì còn quy định của thị trường về nhập khẩu để doanh nghiệp có thể nắm được".
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để triển khai rộng rãi cơ chế doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu được thực hiện sẽ giúp rút gọn các thủ tục và chi phí hành chính so với việc cấp C/O truyền thống, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần được trang bị đầy đủ kiến thức, nắm chắc quy định, bởi doanh nghiệp sẽ phải tự chịu trách nhiệm về việc cấp chứng nhận của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!