Vải phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc các nước có FTA với EU mới được hưởng thuế 0% theo EVFTA, CPTPP thậm chí còn yêu cầu ngặt nghèo hơn khi quy tắc xuất xứ phải "từ sợi trở đi". Tuy nhiên, khi khâu dệt nhuộm vẫn còn đang yếu, 90% sợi Việt Nam sản xuất ra đang phải đem xuất sang Trung Quốc rồi nhập vải về.
Xây dựng một chuỗi cung ứng với tính chuyên môn hóa cao đang là đòi hỏi cần thiết bởi không kỳ vọng các doanh nghiệp tự đi đầu tư từ A - Z được, vì chi phí xử lý xả thải cho dệt nhuộm là rất lớn đồng thời các địa phương cũng không mặn mà với việc triển khai các dự án này.
Theo Hiệp hội Dệt may, trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến 2030, cần các quy định cụ thể về phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt và nhuộm, được Chính phủ hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công nghệ hiện đại, có như vậy dệt nhuộm mới gỡ được nút thắt và thu hút được đầu tư.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm việc với các địa phương tìm hướng giải quyết vấn đề các dự án dệt nhuộm bị từ chối. Động thái được kỳ vọng sẽ mở đường cho các dự án dệt nhuộm trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!