Dệt may xuất khẩu đón đơn hàng xanh

Hòa An-Thứ tư, ngày 05/10/2022 14:50 GMT+7

VTV.vn - Để có thể duy trì và bứt tốc tăng trưởng xuất khẩu dệt may tại thị trường EU, nhiều DN đã chuyển đổi kỹ thuật sản xuất và bước đầu đón thêm đơn hàng dệt may xanh.

Mới đây, Hội đồng EU cũng đã thông qua chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn trong năm nay với 16 luật lệ mới, cũng như các giải pháp chính sách được áp dụng để các sản phẩm dệt may vào thị trường châu Âu phải bền hơn, tái sử dụng được và tái chế được cho đến năm 2030.

Vỏ chai sẽ được nghiền nhỏ ra để trở thành nguyên liệu tái chế sản xuất ra xơ sợi và làm thành bông - thành phần chiếm 50% trọng lượng của 1 chiếc áo.

Tăng sử dụng nguyên liệu tái chế đang là hướng đi của các doanh nghiệp trong ngành dệt may nhằm đáp ứng nhu cầu về xanh hóa chuỗi cung ứng của các đối tác lớn trên thế giới.

Cung ứng bông và các sản phẩm nguyên liệu dệt may cho hơn 50 đối tác lớn trên thế giới, Công ty Bông TNG cho biết yêu cầu đơn hàng tái chế đã tăng từ 45 - 50% so với cùng kỳ năm trước.

"Họ yêu cầu dòng sản phẩm phải có sự đánh giá của bên thứ 3 và có chứng chỉ TC chứng minh nguồn gốc sử dụng dòng xơ tái chế cho ra sản phẩm mà vẫn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của họ đề ra. Sản lượng sản xuất năm nay của chúng tôi ước đạt 1.500 tấn, 70% là sản phẩm xơ tái chế", ông Lã Anh Chiến, Giám đốc Nhà máy Bông TNG, cho hay.

Dệt may xuất khẩu đón đơn hàng xanh - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may bình quân dự kiến sẽ tăng từ 5 - 6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Với ưu thế về tiếp cận khoa học kỹ thuật nhanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bắt đầu nhận nhiều đơn hàng tỷ lệ tái chế tăng dần lên, hướng tới sản xuất trọn gói 1 sản phẩm xanh.

"Chúng tôi đã có những đơn hàng kéo dài kéo dài 4 - 5 tháng từ kéo sợi tái chế, dệt kim, nhuộm hoàn tất, may. Nếu đạt được đúng cam kết người đứng đầu chuỗi thì đến quý 1 - 2/2023, tỷ lệ các sản phẩm này có thể đạt 25% tổng sản lượng", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thông tin.

Theo các chuyên gia, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu phải đối mặt khi xanh hóa sản xuất là khó kiểm soát được chất lượng của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó chi phí cho phát triển bền vững tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp chưa đủ nguồn lực thực hiện. Tuy nhiên, cơ hội sẽ đến nếu doanh nghiệp dám chuyển đổi.

"Hiện nay các tiêu chí của châu Âu đưa ra đang mang tính chất nắm bắt, làm quen và có giai đoạn thích ứng chuyển đổi sản xuất. Chúng ta phải nhanh chóng nắm bắt và có lộ trình", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may bình quân dự kiến sẽ tăng từ 5 - 6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030, dự kiến cán mốc 68 - 70 tỷ USD. Vì vậy đây là cơ hội để nâng chất thị trường dệt may Việt Nam, nâng tính cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dệt may trong khu vực và trên thế giới.

Lối đi nào phát triển sản xuất xanh ngành dệt may?

Năm nay, châu Âu đưa ra 4 đề xuất trong Thỏa thuận xanh, trong đó có Chiến lược phát triển bền vững, tuần hoàn cho dệt may và yêu cầu về tiêu chuẩn xanh cho sản phẩm may mặc xuất sang thị trường này.

Để có thể duy trì tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào EU, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần tạo hành lang chính sách để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào hướng sản xuất xanh.

"Rõ ràng khi sản xuất sản phẩm xanh thì thế giới tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, còn những người sản xuất sản phẩm xanh, giá thành sẽ lên, chính vì thế cần có sự phân chia lại hiệu quả trong xử lý rác thải toàn thế giới cho người sản xuất, có như thế mới có điều kiện cho người sản xuất đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh phù hợp", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết.

"Một nhân tố quan trọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất xanh đó là nguồn nhân lực. Cần có những chương trình đào tạo chuyên sâu đại học, hoặc linh hoạt ngắn hạn về kỹ năng sản xuất xanh, phối hợp giữa các Chính phủ để trao đổi các chương trình đào tạo nhân sự xanh, học tập được khoa học kỹ thuật từ các quốc gia phát triển sản xuất xanh, sản xuất bền vững", ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định.

Thực tế sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tăng trưởng xanh trong ngành dệt may cũng phù hợp với mục tiêu Chính phủ đang đặt ra. Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh.

Dệt may nỗ lực vượt khó, “nhắm” đích 43 tỷ USD Dệt may nỗ lực vượt khó, “nhắm” đích 43 tỷ USD

VTV.vn - Để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu cả năm nay đạt từ 43 - 45 tỷ USD, ngành dệt may sẽ phải nỗ lực vượt qua nhiều thách thức.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước