Địa phương tăng san sẻ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc

VTV DIgital-Thứ sáu, ngày 30/08/2024 07:13 GMT+7

VTV.vn - Theo Cục Khoáng sản, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cấp 27 giấy phép, công suất hơn 26 triệu m3 cát/năm. Khối lượng bổ sung từ các mỏ đã cấp đạt khoảng 5,3 triệu m3.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành chỉ thị về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Một trong 4 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm nằm ở việc phát triển thị trường tiêu thụ. Trong đó, có đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Đó là lý do vì sao chúng ta thường gọi vốn đầu tư công là "vốn mồi". Vì 1 đồng vốn đầu tư công đổ vào nền kinh tế có thể kéo theo nhiều đồng vốn đầu tư khác từ xã hội. Mà cụ thể ở đây là để xây dựng các dự án cầu đường, giao thông thì sẽ tạo ra nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Thời điểm này, để đảm bảo tiến độ nhiều tuyến cao tốc huyết mạch tại khu vực phía Nam, nguồn cát san lấp đang được các địa phương san sẻ để tăng cường cung ứng.

Từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9 tới đây, dự án trọng điểm Quốc gia là đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu nhận được nguồn cát san lấp hỗ trợ từ một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nguồn cung cát được kỳ vọng sẽ ổn định, đảm bảo tiến độ cho dự án. Tỉnh Vĩnh Long sẽ là địa phương cung ứng những chuyến cát đầu tiên, với tổng trữ lượng từ nay đến cuối năm có thể lên đến 700.000m3 cát.

Ngoài việc chuẩn bị khai thác để cung ứng cát cho đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các mỏ cát tại tỉnh Vĩnh Long cũng là nguồn cung cho dự án trọng điểm khác là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đã được 3 tháng nay. 2 vị trí trên sông Trà Ôn dự kiến sẽ cung ứng 1,7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau 12 tháng được phép khai thác.

Ông Trần Thanh Thuận - Quản lý kỹ thuật mỏ cát trên sông Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Phía đơn vị nhà thầu khai thác thực hiện theo đúng hồ sơ của cơ quan phê duyệt, trong đó có hồ sơ về môi trường. 2 tháng một lần mình sẽ đo lại lòng sông, đáy sông. Hằng tháng mình sẽ giám sát xói lở đường bờ".

Để gỡ khó về nguồn cung cát cho các dự án trọng điểm, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành cơ chế đặc thù để khai thác và cho phép bỏ qua một số thủ tục để đẩy nhanh tiến độ, với một số điều kiện ràng buộc. Trong đó với các mỏ đã cấp phép, có thể tăng công suất khai thác đến 50%.

Nhờ các nỗ lực tháo gỡ, vừa qua 3 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đều đã thống nhất hỗ trợ cát cho dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và các dự án cao tốc khác. Trong đó tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt trữ lượng hơn 3,4 triệu m3 từ 9 mỏ cát.

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Về khối lượng là đủ, thời gian tuy có trễ nhưng tỉnh cũng cố gắng hết mình để thực hiện cam kết với Thủ tướng. Giải pháp là nếu như mặt bằng sông nước ổn định, thì chúng tôi sẽ tiếp tục gia hạn cho tăng thời gian, tăng công suất khai thác lên".

Theo Cục Khoáng sản, hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cấp 27 giấy phép theo cơ chế đặc thù với công suất mỗi năm là hơn 26 triệu m3 để cung cấp cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia tại khu vực này. Bên cạnh đó, khối lượng được bổ sung từ các mỏ đã cấp đạt khoảng 5,3 triệu m3.

Ông Trần Phương - Phó Cục Trưởng Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Để tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu cát thì Đồng Tháp, An Giang vẫn đang rà soát những mỏ đã cấp phép, với mỏ đủ điều kiện sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục tăng công suất".

Các ngành chức năng cũng đang triển khai các giải pháp tìm vật liệu thay thế để giảm áp lực khai thác cát sông. Như việc sử dụng cát biển cho một số hạng mục phù hợp của dự án cao tốc. Hiện đã có 02 giấy phép khai thác cát biển với trữ lượng khoảng 5,5 triệu m3 để thực hiện việc này.

Chủ đầu tư các dự án cao tốc một mặt giải quyết các vấn đề về nguồn cát san lấp. Nhưng mặt khác cho biết vẫn sẽ nỗ lực để giữ đúng tổng tiến độ của các dự án. Như đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, thời gian tới sẽ triển khai nhiều những giải pháp kĩ thuật khác nhau để có thể bù lại phần thời gian bị chậm tiến độ cục bộ, cố gắng hoàn tất được phần lõi cao tốc 4 làn xe theo đúng tiến độ là vào cuối năm 2025.

Nỗ lực đảm bảo tổng tiến độ các dự án cao tốc

Địa phương tăng san sẻ nguồn cát san lấp cho các dự án cao tốc - Ảnh 1.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ khi nguồn cát được cung cấp ổn định.

Gói thầu xây lắp số 8 dài 7km của dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Hơn tháng qua nhà thầu đã huy động được hơn 40.000m3 cát, nhiều hơn chục lần so với thời điểm tháng 5. Nhờ vậy, công tác xử lý nền đất yếu đã được tiến hành. Chưa làm được phần đường thì công nhân tranh thủ làm phần cầu để đỡ phí thời gian. Các giải pháp kĩ thuật như vậy sẽ được chủ đầu tư tăng cường hơn thời gian tới, với mục tiêu không thay đổi tổng tiến độ của dự án.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng ta có thể rút ngắn thời gian gia tải, bình quân từ 12 tháng thì có thể chuyển sang từ bước thấm sang cọc xi măng hoặc tăng mật độ bước thấm, tăng chiều cao gia tải để thời gian gia tải có thể trở thành 9-10 tháng và như vậy chúng ta vẫn kiểm soát được tổng tiến độ này".

Chủ đầu tư các dự án cao tốc cũng khẳng định sẽ quyết liệt đốc thúc nhà thầu. Các nhà thầu phải chủ động huy động một phần, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

"Đối với nguồn vật liệu, đến cuối tháng 8 này là phải đạt được 2 triệu khối thì hiện nay các nhà thầu đã chủ động huy động được khoảng 600.000 khối, như vậy 1,4 triệu khối từ nay đến cuối tháng 8 này thì các nhà thầu chủ động tìm các nguồn cát", ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

"Ví dụ như nguồn cấp phối đá dăm, hiện tại rất nhiều nhà thầu đang lấy, mình cũng phải tranh thủ tập kết để đảm bảo sẵn sàng thi công các gói thầu", ông Võ Quốc Cường - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam chia sẻ.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương nghiên cứu tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án cao tốc. Đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu có chiều sâu lớn và vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.

Thời gian qua với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các Bộ ban ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cả nước đã hoàn thành thêm gần 700km đường bộ cao tốc đi qua 15 tỉnh thành phố. Nâng tổng số đường bộ cao tốc lên hơn 2.000km. Để đạt mục tiêu là năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, sự chung tay phối hợp giữa các bên liên quan sẽ có vai trò rất quan trọng. Như cách mà nguồn vật liệu được san sẻ giữa các địa phương. Tất cả vì lợi ích chung.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước