Điểm tên các "nạn nhân" mới của đại dịch COVID-19

TTXVN-Thứ tư, ngày 19/08/2020 08:07 GMT+7

Ảnh: Yahoo Finance.

VTV.vn - Các cửa hàng đóng cửa, dây chuyền sản xuất không hoạt động, máy bay "đắp chiếu" ở các sân bay - đại dịch COVID-19 đã tàn phá một loạt ngành công nghiệp.

Hãy cùng điểm tên những "nạn nhân" mới của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh các công ty phải thông báo sa thải bớt nhân viên, nộp đơn phá sản và kêu gọi các Chính phủ tiến hành các kế hoạch giải cứu.

* Ngành hàng không "hạ cánh" khó khăn

Trong số những "ông lớn" đang gặp khủng hoảng trong lĩnh vực vận tải hàng không có hai hãng vận tải Mỹ Latinh, bao gồm hãng hàng không lớn nhất khu vực LATAM và Avianca của Colombia. Cả hai đều đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Hãng hàng không Virgin Australia đã sụp đổ, bắt đầu quá trình cho phép các chủ nợ tiếp quản hoạt động tại đây. Các hãng hàng không nhỏ hơn cũng rơi vào tình cảnh tương tự, bao gồm Comair và South African Airways (SAA) của Nam Phi, Flybe của nước Anh và 4 công ty con thuộc Norwegian Air Shuttle của Na Uy.

Điểm tên các nạn nhân mới của đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

American Airlines đã thông báo cắt giảm hơn 41.000 việc làm. (Hình minh họa: Ảnh: AP)

Những hãng hàng không khác may mắn vẫn sống sót, nhưng họ buộc phải sa thải nhân viên hàng loạt. Tại Mỹ, American Airlines đã thông báo cắt giảm hơn 41.000 việc làm, với United Airlines là 36.000 việc làm, còn tại American Delta Air Lines là 10.000 việc làm. Lufthansa của Đức cũng cho 22.000 nhân viên thôi việc, trong khi ít nhất 19.000 việc làm tại Air Canada bị cắt giảm. 12.000 nhân viên tại British Airways, 6.000 tại Qantas của Australia (Ốt-xtrây-li-a), và 4.500 tại EasyJet của nước Anh cũng bị cho nghỉ.

Về phía các nhà sản xuất máy bay, Boeing của Mỹ đã thông báo sa thải 16.000 nhân viên, trong khi Bombardier của Canada là 2.500 nhân viên. Trong lĩnh vực sản xuất động cơ, General Electric và Rolls-Royce của Anh cũng đã cắt giảm lần lượt 12.600 và 9.000 việc làm.

Giữa bối cảnh đó, một số chính phủ đã vào cuộc để hạn chế thiệt hại cho ngành hàng không. Chính phủ Đức đã chấp nhận giải cứu cho Lufthansa và Condor, Pháp và Hà Lan cũng làm điều tương tự đối với liên doanh Air France-KLM, trong khi Italy (I-tali-a) quyết định quốc hữu hóa Alitalia.

* Con đường gập ghềnh của ngành ô tô

Ngành công nghiệp ô tô cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Một trong những dấu hiệu khủng hoảng lớn nhất của ngành này là nhà sản xuất ô tô Renault của Pháp phải sa thải 15.000 việc làm, còn "người khổng lồ" cho thuê xe hơi Hertz đã nộp đơn phá sản.

BMW của Đức sẽ cắt giảm 6.000 việc làm trong khi Nissan (Nhật Bản) dự kiến đóng cửa một nhà máy ở Barcelona (Tây Ban Nha) với 3.000 lao động.

Điểm tên các nạn nhân mới của đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại một nhà máy của hãng xe BMW ở San Luis Potosi, Mexico. (Ảnh: Reuters).

Công ty sản xuất xe tải hạng nặng Volvo của Thụy Điển cũng thông báo sẽ cắt giảm 4.100 việc làm trên toàn thế giới. Còn ở Anh, hơn 6.000 vị trí tại Jaguar Land Rover, Aston Martin, Bentley và McLaren cũng sẽ bị sa thải.

*Ngành bán lẻ chật vật vì đại dịch

Đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng cho nhiều thương hiệu bán lẻ do họ phải ngừng kinh doanh khi các Chính phủ tiến hành biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế dịch lây lan.

Tại Anh, công ty chuyên về quản lý và phát triển trung tâm mua sắm Intu đã phải chuyển quyền điều hành cho các chủ nợ. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với công ty chuyên cho thuê cửa hàng BrightHouse và chuỗi cửa hàng bách hóa Debenhams – bên cũng đã phải cắt giảm 2.500 việc làm.

Các nạn nhân mới khác của COVID-19 bao gồm Marks & Spencer, chuỗi bán lẻ quần áo và thực phẩm này sẽ cắt giảm khoảng 7.000 việc làm trong vòng ba tháng tới. Chuỗi cửa hàng bách hóa John Lewis cùng nhà bán lẻ vật liệu xây dựng và thủ công Travis and Perkins sẽ lần lượt sa thải 1.300 và 2.500 lao động.

Tại Đức, chuỗi cửa hàng bách hóa Karstadt Kaufhof sẽ đóng 1/3 số cửa hàng và sa thải 6.000 nhân viên. Ở Pháp, các thương hiệu quần áo bao gồm Andre, Naf Naf và Camaieu cũng như nhà bán lẻ đồ nội thất Alinea đã mất quyền quản trị vào tay chủ nợ.

Trong lĩnh vực ăn uống, The Restaurant Group của Anh sẽ đóng 125 nhà hàng và giảm 3.000 việc làm. Pizza Express cũng đóng 67 nhà hàng và sa thải 1.100 nhân viên. Nhà sản xuất máy hút bụi Dyson sẽ cắt giảm 15% lực lượng lao động ở Anh và loại bỏ 900 việc làm trên toàn cầu.

*Các ngành công nghiệp khác

Ngành năng lượng cũng chìm trong khó khăn chồng chất vì đại dịch COVID-19. "Gã khổng lồ" BP của Anh đã công bố kế hoạch cắt giảm gần 10.000 việc làm, trong khi các công ty dịch vụ trong ngành năng lượng là Centrica và OVO sẽ cắt giảm lần lượt 5.000 và 2.600 việc làm.

Tại Mỹ, tập đoàn khoan dầu Diamond Offshore và tập đoàn thăm dò khí đốt Petroleum Corporation đã nộp đơn xin phá sản.

Điểm tên các nạn nhân mới của đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Trong lĩnh vực kỹ thuật số, công ty taxi công nghệ Uber có kế hoạch sa thải 6.700 nhân viên, trong khi đối thủ của họ là Lyft cũng cho nghỉ gần 1.000 lao động. Airbnb và TripAdvisor đã sa thải khoảng 25% lực lượng lao động của họ. Mạng xã hội LinkedIn sẽ cắt giảm 960 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động

Tập đoàn logistic Kuehne + Nagel của Thụy Sỹ cũng có kế hoạch sa thải hơn 15.000 nhân viên – tương đương 1/4 số lao động. Dịch vụ bưu chính Royal Mail của Anh cũng cho thôi việc 2.000 nhân viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước