Điều hành lãi suất linh hoạt để ổn định vĩ mô

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 02/12/2022 20:25 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp...

Mặt bằng lãi suất thời điểm này tương đối cao là thực tế chung tại hầu hết các nền kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần trong năm nay, đưa lãi suất hiện lên mức cao gấp đôi so với trước dịch.

Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước mới có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, mỗi lần 1%/năm, qua đó nâng lãi suất về mức tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện cũng có ý kiến cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam đang cao hơn mức cần thiết so với mức lạm phát hiện nay. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều hành lãi suất linh hoạt để ổn định vĩ mô - Ảnh 1.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những quyết định liên quan đến điều chỉnh mặt bằng lãi suất điều hành. Với những điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán dựa trên những cơ sở như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.

Thứ hai, trong nước, lạm phát chung trong tầm kiểm soát, nhưng chỉ dấu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là lạm phát cơ bản. Xu hướng lạm phát cơ bản tiếp tục tăng.

Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Thứ tư, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng rất chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản do thiếu vốn. Do đó, việc tăng lãi suất giúp các ngân hàng thu hút thêm nguồn vốn. Từ đó, có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.

Định hướng trong điều hành chính sách lãi suất nói riêng, cũng như định hướng trong chính sách tiền tệ nói chung của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ như thế nào thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức tăng 2 lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây đã đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu. Lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước