Điều kiện để sầu riêng rộng đường xuất khẩu chính ngạch

VTV9-Chủ nhật, ngày 02/01/2022 11:30 GMT+7

VTV.vn - Sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu khá nhiều sang Trung Quốc, tuy nhiên chủ yếu là xuất tiểu ngạch, còn chính ngạch vẫn đang đàm phán.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân và thay đổi tư duy, chuỗi sản xuất, tiêu thụ mặt hàng lợi thế này.

Toàn bộ diện tích 30 hecta sầu riêng ở xã Ba Trinh, Kế Sách, Sóc Trăng được bà con sản xuất theo hướng VietGAP với hy vọng đưa sản phẩm lợi thế xuất ngoại. Không chỉ tuân thủ các quy định, nhà vườn còn đầu tư hệ thống tưới và phun thuốc tự động, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe và môi trường.

"Phải có lịch sản xuất, quy trình canh tác. Thứ hai là trái cây phải là ngon, sạch, an toàn", ông Huỳnh Thanh Lễ, xã Ba Trinh, Kế Sách, Sóc Trăng, chia sẻ.

Điều kiện để sầu riêng rộng đường xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 1.

Tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu sầu riêng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Đòi hỏi bà con tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình truy xuất nguồn gốc, cũng như sổ tay ghi chép, sử dụng phân thuốc, phân bón cho các doanh nghiệp, đối tác theo dõi tốt hơn", ông Nguyễn Thành Phước, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đang khẩn trương cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu sầu riêng với diện tích tối thiểu 10 hecta cho mỗi mã số. Đây là điều kiện cần để loại nông sản này rộng đường xuất khẩu, nhất là đi chính ngạch Trung Quốc sau này.

Ở các địa phương khác, nơi cây sầu riêng dần bén rễ, nông dân cũng trang bị những kiến thức sao cho sản phẩm làm ra sạch và an toàn. Chẳng hạn tại một khu vườn này ở Xã Chánh An, Mang Thít, Vĩnh Long, thay vì dùng thuốc bảo vệ thực vật, ruồi vàng được dẫn dụ vào các chai nhựa, còn rệp sáp được phòng trừ bằng nước rửa chén.

"Các tỉnh đã phối hợp với nông dân, triển khai vấn đề về tiêu chuẩn cho người nông dân họ hiểu chưa, hay họ vẫn nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính? Đó là câu chuyện chúng ta đều phải thay đổi tư duy. Đây là một thị trường lớn, chúng ta phải nghiêm túc xây dựng chiến lược cho nó", Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy nhận định.

Lập quy chuẩn cho ngành hàng sầu riêng

Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu gần 400.000 tấn sầu riêng, trị giá 1,62 tỷ USD - con số hấp dẫn đối với các doanh nghiệp và nhà vườn Việt Nam. Đó cũng là lý do ngành chức năng nước ta đang tích cực đàm phán để sầu riêng có thể là loại trái cây thứ 10 được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân. Khi đó câu chuyện ùn ứ nông sản, gặp khó về đầu ra sẽ phần nào được giải quyết.

Vườn sầu riêng 2,5 hecta đến ngày thu hoạch. Nhân công ngoài việc đeo khẩu trang, trước khi vào vườn phải được khử khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế và mang ủng, găng tay. Các dụng cụ khác như: giỏ đựng, xe đẩy, xe chở sầu riêng cũng được khử khuẩn toàn bộ. Đó là những quy định bắt buộc ngay tại vùng nguyên liệu các doanh nghiệp xuất khẩu phải nghiêm túc thực hiện để có thể xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Tất cả nhằm đảm bảo sản phẩm được canh tác, thu hoạch theo chuỗi an toàn, chất lượng.

Điều kiện để sầu riêng rộng đường xuất khẩu chính ngạch - Ảnh 2.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hecta chuyên canh sầu riêng mang về lợi nhuận cho nhà vườn từ 700 - 800 triệu đồng/năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chất lượng sản phẩm là ăn ngon, mẫu mã đẹp và thứ hai là an toàn cho sức khỏe. Nếu chúng ta đáp ứng được 2 mong muốn này của người tiêu dùng thì Trung Quốc là thị trường mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân và doanh nghiệp trong thời gian tới", Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu Ngô Tường Vy nhấn mạnh.

Cùng với đó, muốn đi chính ngạch, doanh nghiệp Việt cần thực hiện nghiêm các quy định về truy xuất nguồn gốc, từ mã số vùng trồng đến mã số cơ sở đóng gói. Trong khi đây lại là khâu còn nhiều vướng mắc nhất. Muốn vậy, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, việc hình thành những vùng nguyên liệu rộng lớn, liên kết với nông dân cũng đang được chú trọng.

Dù ít nhiều ảnh hưởng chuyện nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu, nhưng đợt này bà Cúc (xã Chánh An, Mang Thít, Vĩnh Long) vẫn bán được toàn bộ sầu riêng nhờ liên kết trước đó.

"Doanh nghiệp hãy yên tâm vì có vùng nguyên liệu của mình và đặc biệt, vùng nguyên liệu này sản xuất ra trái cây đủ tiêu chuẩn mà các nước nhập khẩu họ yêu cầu. Như vậy, mối liên kết này mang lại lợi nhuận cho cả hai bên và ổn định cho sản xuất, xuất khẩu", ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hecta chuyên canh sầu riêng mang về lợi nhuận cho nhà vườn từ 700 - 800 triệu đồng/năm. Đây là động lực để bà con tập trung sản xuất và phát triển diện tích theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu từ doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc. Cùng với đó là khai thác thế mạnh từ việc rải vụ, đảm bảo nguồn hàng quanh năm, cũng như sơ chế, chế biến và đa dạng các mặt hàng từ sầu riêng. Đây sẽ là những giải pháp tổng hợp để hoàn thiện chuỗi giá trị cho ngành hàng Việt Nam có rất nhiều lợi thế.

Ùn tắc cửa khẩu, mít, sầu riêng... 'đổ bộ' đường phố Hà Nội Ùn tắc cửa khẩu, mít, sầu riêng... "đổ bộ" đường phố Hà Nội

VTV.vn - Tắc cửa khẩu, nông sản không thể thông quan sang Trung Quốc, các nhà xe đã đưa mít, sầu riêng về Hà Nội bán để gỡ gạc phần nào chi phí.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước