Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng

Tấn Hưng - Bạch Tuyết-Chủ nhật, ngày 15/08/2021 09:13 GMT+7

VTV.vn - Sự đón nhận của thị trường nước ngoài đối với trái cây Việt Nam là nhờ công tác quảng bá được làm tốt, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kì. Đây được xem là tín hiệu khả quan, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Tại khu vực ĐBSCL, trong giỏ hàng thì trái cây, thủy sản như tôm, cá tra lại một lần nữa khẳng định vị thế khi có giá trị xuất khẩu tăng, trong đó sầu riêng là một ví dụ.

Ngay từ đầu năm, mặc dù nhiều thành phố tại Australia bị giãn cách xã hội nhưng loại trái cây này của Việt Nam vẫn có sức hút lớn.

Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng - Ảnh 1.

Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng. Ảnh: VGP.

Mới đây, hơn 15 tấn sầu riêng Ri6 đông lạnh của một công ty xuất sang Australia đã cháy hàng chỉ trong 2 ngày phân phối. Ngoài ra, 45 tấn sầu riêng khác dù đang trên đường vận chuyển nhưng cũng đã được các cửa hàng đặt mua hết.

Giá sàn thấp nhất gần 19 UAD/1kg đối với sầu riêng đông lạnh nguyên trái và 20 - 25 UAD/1kg (tương đương 340.000 - 420.000 đồng) đối với loại tách sẵn múi.

Sự đón nhận của thị trường nước ngoài đối với trái cây Việt Nam là nhờ chúng ta làm tốt công tác quảng bá, cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Tất cả chỉ có thể gói gọn trong các chuỗi liên kết. Ngay trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay, các chuỗi này càng phát huy hiệu quả.

Xuất khẩu trái cây nhờ liên kết

Vùng nguyên liệu tại Bến Tre là nơi cung ứng nguồn sầu riêng chất lượng cho 2 đơn hàng đi Australia vừa qua. Giữa mùa dịch bệnh và thực hiện giãn cách, nhưng nhờ tuân thủ tốt biện pháp 5K, liên kết chặt với nhà vườn nên doanh nghiệp vẫn đều đặn xuất khẩu và thu mua cho bà con từ 70 - 200 tấn sầu riêng mỗi ngày.

"Với các đối tác khách hàng có nguyên liệu quanh năm, chúng tôi có giải pháp là bảo quản sản phẩm theo công nghệ cao, làm sao sản phẩm đó là đông lạnh nhưng ăn gần như chất lượng sản phẩm tươi", chị Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Bến Tre cho biết.

Còn ở doanh nghiệp Vina T&T, nhờ công nghệ nên nhiều loại trái cây đã được kéo dài thời gian bảo quản để đến tay khách hàng. Ngoài sầu riêng cấp đông thì nhãn có thể để đến 55 ngày, hay như dừa vẫn đảm bảo chất lượng sau gần 70 ngày.

Dù gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sản xuất khi giãn cách xã hội, nhưng chính công nghệ và liên kết đã giúp doanh nghiệp bán được hàng, còn nông dân tiêu thụ được sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: "Thanh long hiện nay xuống giá rất thấp nhưng chúng tôi vẫn duy trì 20.000/kg cho bà con yên tâm. Qua đây cho thấy liên kết có bền vững, những lúc khó mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều".

Sầu riêng Việt Nam được ưa chuộng - Ảnh 2.

Dù gặp không ít khó khăn trong việc duy trì sản xuất khi giãn cách xã hội, nhưng chính công nghệ và liên kết đã giúp doanh nghiệp bán được hàng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Với những vùng nguyên liệu sầu riêng lên đến 1.500 ha, trải dài từ ĐBSCL đến Nam Trung Bộ, ở đây nông dân được doanh nghiệp cam kết mức giá thu mua lâu dài, có thể lên đến vài năm, dù cho thị trường có biến động.

Ngược lại những qui trình canh tác chuẩn chất cũng cần được bà con tuân thủ. Bởi chỉ có đảm bảo chất lượng, loại trái cây này mới giữ vững vị thế và thậm chí là cạnh tranh sòng phẳng với Malaysia hay Thái Lan trong thời gian tới.

Đầu ra cho nông sản thông qua hợp tác xã

Những ngày qua, nếu không có sự gắn kết tiêu thụ từ các Bộ, ngành đến địa phương, chắc chắn tình hình tiêu thị nông sản sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Điều này một lần nữa khẳng định liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản là vấn đề quan trọng, không thể bỏ qua.

Nhờ sự gắn kết của tỉnh An Giang, Tập đoàn Lộc Trời đứng ra làm đầu mối tiêu thụ lúa Hè Thu cho nông dân, với giá sàn cam kết lần lượt là 4.800 và 5.500 đồng/kg lúa tươi cho 2 giống OM 5451 và OM 18. Đây là kế hoạch ngoài dự kiến, còn với 600 hợp tác xã, tổ hợp tác mà doanh nghiệp đã liên kết trước đó, chuyện tiêu thụ lúa gạo hàng hoá không có gì thay đổi.

Không chỉ lúa gạo, những buổi kết nối online như trong mùa dịch cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Một doanh nghiệp xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, đang cần đến 40 container cá tra, 9 container cá rô phi, điêu hồng hay tôm càng xanh là 5 container.

"Đối với thị trường Pháp, châu Âu, nhu cầu tôm càng xanh khá nhiều, đặc biệt là Pháp, nhu cầu 1 tháng là 4 container mỗi tháng. Thái Lan cũng vậy. Cua thì Thượng Hải, Hong Kong số lượng ổn định", anh Hoàng Văn Duy - Tổng Giám đốc Mekong Food Group cho biết.

Ngoài lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển, buổi kết nối còn có sự tham gia của nhiều hợp tác xã - nơi mà các sản phẩm đang trong tình cảnh thiếu đầu ra. Chẳng hạn Kiên Giang từ nay đến cuối tháng, sẽ có hơn 1.500 tấn thủy sản cần tiêu thụ.

Những hợp đồng tiêu thụ sẽ nhanh chóng được kí kết giữa doanh nghiệp và đầu mối là các hợp tác xã. Từ đây địa phương cũng bớt lo về chuyện đầu ra nông, thủy sản trong những ngày giãn cách. Một lần nữa, kinh tế hợp tác lại phát huy thế mạnh trong tình hình mới.

Châu Á ùn ứ nông sản, châu Âu lo khan hiếm hàng Châu Á ùn ứ nông sản, châu Âu lo khan hiếm hàng Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Xuất khẩu nông sản giảm tốc, lo ngại khó về đích Xuất khẩu nông sản giảm tốc, lo ngại khó về đích

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước