Định danh điện tử EKYC: Xu hướng của ngân hàng tương lai

Thu Hương-Thứ sáu, ngày 22/05/2020 20:29 GMT+7

VTV.vn - Dự thảo mới của NHNN cho phép NHTM không cần gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Do vậy, người dân ở bất cứ đâu đều có thể mở tài khoản nhờ EKYC.

Lâu nay rất nhiều giao dịch như mua vé máy bay, thanh toán tiền điện nước được thực hiện qua chuyển khoản ngân hàng... Thế nhưng, bước đầu tiên để người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng là mở tài khoản thì vẫn phải thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch để đối chiếu giấy tờ tuỳ thân, điền thông tin cá nhân… 

Với dự thảo mới đây của NHNN cho phép ngân hàng thương mại không cần gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ, người dân ở bất cứ đâu đều có thể mớ tài khoản nhờ phương thức định danh điện tử EKYC. Việc triển khai định danh điện tử EKYC sẽ có những thuận lợi khó khăn gì?

Phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank.

Thưa ông vì sao nói EKYC định danh điện tử là xu hướng của ngân hàng tương lai?

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ VietinBank: EKYC sẽ phá vỡ hoàn toàn về chi nhánh vật lý. Hiện nay tính phổ cập của dịch vụ tài chính chưa đến được các vùng sâu vùng xa vùng nông thôn vì khi muốn mở tài khoản rõ ràng người dân phải đến 1 chi nhánh. Với công nghệ EKYC người dân có thể hoàn toàn có thể mở tài khoản thông qua chiếc điện thoại thông minh. Người dân chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân, từ đó hệ thống sẽ đọc được các thông tin trên CMND, đọc hình ảnh của bạn trên CMND và sau đó dùng chiếc điện thoại để nhìn vào camera điện thoại và thực hiện 1 số động tác. Từ đó, hệ thống sẽ làm việc kiểm tra cái ảnh trên CMND và cái ảnh thật ngoài đời thường có khớp với nhau hay không và khi hệ thống khớp được dữ liệu thì ngân hàng có thể mở được tài khoản cho khách hàng.

Như ông vừa đề cập, dữ liệu cá nhân là rất quan trọng nhưng Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu công dân đầy đủ, vậy các ngân hàng cần làm thế nào để định danh khách hàng?

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ VietinBank: Ngân hàng phải tự chủ trong việc đó. Chúng tôi cũng thực hiện hệ thống để kiểm tra CMND giả hay không có bị chỉnh sửa hay không. Những việc này thay vì dùng mắt thường thì chúng ta dùng công nghệ. Tôi nghĩ mức độ rủi ro là như nhau. Trong bối cảnh chúng ta chưa có hệ thống quốc gia chúng ta phải chấp nhận thực trạng như thế… Ngân hàng phải chủ động kiểm tra chéo nguồn dữ liệu khác nhau để kiểm tra xem thông tin đó có thật hay không?

Cụ thể, các ngân hàng sử dụng các phương thức và công nghệ như thế nào?

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ VietinBank: Phải đầu tư hệ thống trí tuệ nhân tạo để giúp chúng ta nhận biết được CMT thật hay giả làm sao xác định được khuôn mặt khớp hay không khớp. Thật sự tôi nghĩ là công nghệ còn khớp khuôn mặt tốt hơn so với con người. Đối với con mắt thường chúng ta nhìn 1 cái ảnh cách đây 10 năm, nhiều người rất khó so sánh. Nhưng với công nghệ có những điểm dữ liệu trên các vùng khuôn mặt mà chúng ta có thể so sánh được, tôi nghĩ công nghệ giúp rất nhiều trong việc này.

Tiện lợi hơn nhưng để giảm thiểu rủi ro được biết các ngân hàng cũng đưa ra các quy định về hạn mức khi giao dịch với những tài khoản như thế này... Như vậy, có vẻ như nó sẽ kém hấp dẫn hơn với khách hàng đúng không ông?

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó TGĐ VietinBank: Khi chúng ta thử nghiệm 1 công nghệ mới chúng ta cần 1 khẩu vị rủi ro phù hợp chính, vì thế, ngân hàng nhà nước đặt ra 1 hạn mức giao dịch . Với hạn mức ấy, đa số người dân vẫn có thể thực hiện các dịch vụ tài chính 1 cách thuận tiện. Nếu người dân có nhu cầu hạn mức cao hơn thì sẽ cần đến quầy. Bây giờ thực hiện EKYC, ngân hàng đã có thông tin dữ liệu rồi ngân hàng chỉ cần lấy thông tin dữ liệu ra và xác nhận lại một lần nữa với khách hàng và từ đó hạn mức sẽ được gỡ bỏ.

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước