Vì sao các công ty thanh toán tại Việt Nam lại e ngại sự xuất hiện của các đại gia thanh toán nước ngoài? Lý do bởi trong khi các công ty thanh toán Việt Nam chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ thanh toán, phải đi đến từng hệ thống cửa hàng, thuyết phục đối tác chấp nhận hình thức thanh toán thì các "ông lớn" công nghệ khi vào thị trường Việt Nam không chỉ sở hữu sản phẩm thanh toán mà còn sở hữu cả các sàn thương mại điện tử hay các công ty game danh tiếng tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm, dễ dàng thuyết phục người dùng vì thuận tiện hơn.
Tại thị trường Việt Nam, SEA - công ty con của "đại gia" công nghệ Trung Quốc Tencent, đã xây dựng được cho mình một "hệ sinh thái" gồm sàn chơi game có hàng chục triệu khách hàng, sàn thương mại điện tử Shopee với hàng trăm nghìn đơn hàng mỗi ngày và tất cả được kết nối với nền tảng thanh toán là ví điện tử Airpay. Đây là điều mà các công ty thanh toán Việt Nam dù muốn cũng rất khó làm theo.
Ngoài ra, các DN thanh toán cũng nhận định, trong khi khoản đầu tư lớn nhất vào một công ty thanh toán Việt Nam hiện cũng chỉ ở mức chưa đến 30 triệu USD thì với tầm vóc của các ông lớn công nghệ nước ngoài, việc rót cả trăm triệu để đầu tư vào thị trường Việt Nam là việc bình thường.
Khi túi tiền đã có sự chênh lệch lớn, việc hút khách để chiếm thị phần bằng các chương trình khuyến mãi, miễn phí thanh toán... là viễn cảnh có thể thấy được.
Lợi thế của các công ty thanh toán Việt Nam là đã có quá trình nhiều năm đi trước đủ để xây dựng sự liên kết thanh toán với hàng chục ngân hàng và hàng trăm khách hàng là nhà dịch vụ, bán hàng - điều mà các đại gia công nghệ ngoại không thể làm được trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, DN Việt thừa nhận đây chỉ là những lợi thế tạm thời trong cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt trên thị trường thanh toán.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!