Bước ngoặt diễn ra vào phút cuối đối với thỏa thuận của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đã kích hoạt lợi nhuận trên các cổ phiếu toàn cầu và giúp đồng Bảng Anh tăng cao vào thứ ba, làm dịu tâm lý các nhà đầu tư vốn đang lo lắng về khả năng Brexit không có thỏa thuận.
Phiên giao dịch sáng 13/3 tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,3%, sau khi Brussels đồng ý thay đổi bổ sung đối với thỏa thuận Brexit cập nhật của Thủ tướng Anh Theresa May. Các chỉ số chính khác như FTSE và DAX đều tăng nhẹ.
Phóng viên Phương Huyền - Thường trú Đài ĐTHVN tại Anh sẽ phân tích kỹ hơn về vấn đề cuộc bỏ phiếu Brexit tại đây.
Với kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 12/3, hiện nước Anh đứng trước những khả năng nào?
Khả năng xấu nhất vẫn đang để ngỏ đó là ngày 29/3 nước Anh rời châu Âu không có thoả thuận đi kèm. Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện lần thứ 2 thất bại và chỉ còn hơn 2 tuần cho những nỗ lực cuối cùng để tránh điều này không xảy ra. Đó là lý do tại sao có cuộc bỏ phiếu ngày 13/3. Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu trên vấn đề, có chấp nhận Brexit không thoả thuận hay không. Nếu như kết quả là không, tức Hạ viện đã có một cơ sở pháp lý cần và đủ, để cho dù giải quyết bài toán Brexit theo hướng nào, cũng sẽ tránh khả năng cuối cùng là Brexit không thoả thuận. Trong trường hợp này, sẽ còn một cuộc bỏ phiếu nữa vào ngày 14/3 về việc trì hoãn thực thi Brexit vào 29/3, tức kéo dài thời gian Anh ở lại EU, để đàm phán tiếp. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm này Hạ viện đồng ý chấp nhận khả năng Brexit không thoả thuận, kịch bản rời đi theo hướng đổ vỡ gần như là khó tránh vì thời gian đã sát mốc ngày 29/3.
Giới doanh nghiệp đang lo ngại như thế nào về bất ổn Brexit và đang có biện pháp đối phó nào?
Giới doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất quan tâm đến cuộc bỏ phiếu ngày 13/3. Nếu Hạ viện bỏ phiếu bác bỏ viễn cảnh Brexit không thoả thuận, chắc chắn là một tin vui và sự thở phào cho giới kinh doanh. Vì kịch bản ra đi không thoả thuận vào đúng ngày 29/3 tới, khi từ nay đến lúc đó không còn nhiều thời gian và ra đi theo hướng thay đổi đột ngột toàn bộ quan hệ ràng buộc về kinh tế hiện nay giữa Anh với châu Âu, rõ ràng là điều họ muốn tránh nhất. Trong trường hợp thời điểm ra khỏi châu Âu của Anh có thể được trì hoãn thành công, doanh nghiệp vẫn có thể hy vọng tiếp về một sự chia tay trật tự, êm đẹp và có thời gian chuẩn bị thêm.
Còn để nói về việc doanh nghiệp đã chuẩn bị ứng phó ra sao và họ đã lo ngại như thế nào, rõ ràng cũng không phải đến tận bây giờ họ mới lo ngại và mới chuẩn bị. Nhưng có một điều chắc chắn, trong bối cảnh mọi thứ đều không rõ ràng, tương lai Brexit sẽ đi theo hướng nào là điều không ai dám nói chắc thì mọi sự chuẩn bị của doanh nghiệp thời gian qua sẽ chỉ ở mức tương đối, không thể gọi là lường hết được mọi điều xảy ra.
Còn về phía chính phủ của bà Theresa May, cũng không ít ý kiến cho rằng, chính phủ thời gian vừa qua đã quá tập trung vào việc đưa bản thoả thuận qua được Hạ viện và bỏ quên các chuẩn bị cần thiết cho khả năng ứng phó với Brexit không thoả thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!