Doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn vì Thông tư 06

VTV Digital-Thứ năm, ngày 07/12/2023 10:00 GMT+7

VTV.vn - Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 ban hành từ năm 2016 về hoạt động cho vay đã có hiệu lực từ đầu tháng 9.

Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khi ban hành thông tư này là góp phần hạn chế rủi ro phát sinh, kiểm soát việc sử dụng vốn đúng mục đích, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã phải ngưng hiệu lực thi hành với một số quy định được phản ánh là chưa phù hợp, nhưng sau gần 2 tháng, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu khó về một số quy định trong Thông tư.

Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, quy định "phong tỏa" số tiền vay đề cập tại Thông tư 06 vênh với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Kinh doanh Bất động sản.

Cụ thể, tại khoản 5 điều 26 "Trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật, thỏa thuận của các bên tại thỏa thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm".

Theo ông Lê Hoàng Châu, khách hàng vay tiền để góp vốn mà ngân hàng phải phong tỏa nguồn tiền thì chỉ có lợi cho ngân hàng vì nguồn tiền vẫn nằm tại ngân hàng. Trong khi đó người nhận tiền thanh toán lại không được sử dụng số tiền này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Chúng tôi thấy quy định này vừa bất cập vừa bất hợp lý và vừa làm rối rắm cho các tổ chức tín dụng. Như vậy làm cho quy định này trở thành bất khả thi".

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14% nhưng tới cuối tháng 11, tăng trưởng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Việc khơi thông tín dụng được cho là cần thiết thời điểm này.

Doanh nghiệp bất động sản khó vay vốn vì Thông tư 06 - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.

Ngay sau khi có chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Các doanh nghiệp bất động sản đón nhận tin vui này. Tuy nhiên, một số ý kiến kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ các thủ tục vay vốn phức tạp, trong đó có các quy định còn vướng mắc trong Thông tư 06, để họ tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, giảm được các chi phí.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: "Trong trường hợp này các thông tin mập mờ, không rõ ràng sẽ ảnh hưởng không giải ngân được. Phải đảm bảo việc giải ngân, cho vay diễn ra bình thường. Không những thế còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng vốn vay vào hoạt động sản xuất kinh doanh".

"Với lãi suất cho vay bây giờ với doanh nghiệp cũng khá cao, dường như là bất khả thi để xây dựng một phương án kinh doanh. Với góc độ doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị mức lãi suất 6 - 8% đổ lại", ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes nói.

Thực tế, thời gian qua, có những dự án bất động sản vay vốn, tuy nhiên, không triển khai được dẫn đến nợ xấu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng trong quá trình cho vay có thể thẩm định kỹ dự án, thanh lọc, lựa chọn các chủ đầu tư có lịch sử tín dụng tốt, thay vì áp dụng đồng loạt các quy định quá chặt chẽ sẽ có thể khiến cho thị trường chung bị ách tắc.

Doanh nghiệp không có vốn triển khai, hoàn thiện dự án, người mua phải đối mặt với tình cảnh giá nhà tăng cao vì thiếu nguồn cung. Chưa kể, lĩnh vực bất động sản được cho là có ảnh hưởng tới khoảng 40 ngành nghề khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước