Ngay từ những ngày đầu năm, hàng loạt chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế, phí công đoàn có hiệu lực, cùng với đó là giá điện, xăng bắt đầu tăng. Dù một số loại chi phí tăng là cần thiết và đã có lộ trình từ trước, nhưng cũng sẽ khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng lên. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có giải pháp chủ động để biến những áp lực tăng chi phí đầu vào thành động lực mới trong sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc liên kết theo chuỗi sẽ trở thành xu thế tất yếu để giảm chi phí trung gian, giúp các doanh nghiệp tránh bị xé lẻ hay thôn tính bởi các tập đoàn kinh tế lớn hơn.
Các chuyên gia kinh tế ước tính, dự báo giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới năm 2018 gia tăng cộng với các thay đổi chính sách về chi phí đầu vào sẽ làm tăng giá thành sản phẩm lên khoảng 10 đến 20%. Tuy nhiên trong số này có nhiều chi phí tăng theo lộ trình đã đề ra từ trước nên doanh nghiệp cần phải thích ứng.
Hiện phần lớn các chi phí đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam đều ở ngưỡng bằng và đôi khi cao hơn so với các quốc gia lân cận khác. Chính vì vậy, áp lực tăng chí phí đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, mở rộng thị trường, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm thích ứng dần với môi trường kinh doanh, cạnh tranh mang tầm quốc tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!