Doanh nghiệp cần làm gì để duy trì chuỗi cung ứng nông sản?

Hữu Trí-Thứ năm, ngày 19/08/2021 06:14 GMT+7

VTV.vn - 30% doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả phải tạm dừng hoạt động. Các DN còn lại cũng chỉ duy trì 50% công suất. Các DN cần làm gì để duy trì chuỗi cung ứng nông sản?

Trong báo cáo mới đây gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội rau, củ, quả Việt Nam nhận định rằng trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ giảm khoảng 30%, mặc dù nhu cầu thị trường thế giới vẫn rất lớn.

Nguyên nhân được xác định là do chuỗi cung ứng từ vùng nguyên liệu đến nhà máy, ra cảng biển để xuất hàng đang bị đứt gãy. Việc các doanh nghiệp không về được vùng nguyên liệu thu mua sản phẩm là nguyên nhân chính khiến 30% các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải tạm dừng hoạt động.

Khó là cái khó chung, thế nhưng trong cái khó ấy vẫn có doanh nghiệp "ló được cái khôn", linh hoạt thích ứng, tìm ngay giải pháp cho tình hình mới.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng

Để có đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến sầu riêng tại Nha Trang, Bến Tre, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu vừa thành lập 2 chi nhánh mới tại Đắk Lắk. Điều đáng nói, phụ trách 2 chi nhánh này chính là các thương lái tại địa phương. Họ đại diện doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Còn hợp tác xã trước đây chỉ biết trồng, nay có thêm nhiệm vụ thu hoạch, lựa chọn, sơ chế sản phẩm. Họ dự kiến năm nay sẽ thu mua khoảng 15.000 tấn sầu riêng ở Đắk Lắk để xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần làm gì để duy trì chuỗi cung ứng nông sản? - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội rau, củ, quả Việt Nam, trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ giảm khoảng 30%. (Ảnh minh họa: PLO)

"Chúng tôi đang tận dụng nguồn nhân lực địa phương. Chúng tôi chấp nhận chia sẻ và giao quyền cho một số đội ngũ chúng tôi có thể tin tưởng ở các vùng nguyên liệu để làm việc với bà con nông dân", bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay.

Với Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group, mỗi tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đều là vùng nguyên liệu của họ, nên việc phải ra vào các tỉnh để thu mua nông sản là không tránh khỏi. Hiện nay, họ luôn phải chủ động làm việc trước với các sở ban ngành của từng tỉnh để nắm rõ quy định phòng chống dịch, sau đó mới nghĩ tới việc tổ chức thu mua.

Đa phần theo các doanh nghiệp, để duy trì chuỗi cung ứng, họ cần chủ động gấp đôi so với trước đây để nắm bắt và tuân thủ mọi quy định phòng chống dịch của từng địa phương, cho dù năng suất có thể giảm tới 50%, nhưng vẫn còn hoạt động cũng đã là thành công.

Đa dạng thị trường để giảm thiểu chi phí logistics

Như vậy, một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được với vùng nguyên liệu lúc này là có thể sử dụng những "cánh tay nối dài" là các hợp tác hay thương lái. Bước đầu, con đường từ vùng nguyên liệu đến nhà máy đã bớt "gập ghềnh" hơn. Tuy nhiên, để sản phẩm nông sản cập bến thị trường xuất khẩu lại chưa hết khó.

Theo các doanh nghiệp, giá vận tải đường biển, đường hàng không tăng cao, trung bình từ 5 - 7 lần so với trước đây, đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của họ.

Đơn cử, giá 1 kg nhãn đầu mùa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu EU khoảng 70.000 đồng/kg, tuy nhiên chi phí logistics và vận chuyển đã lên tới 200.000 đồng/kg, nghĩa là chỉ riêng tiền trả cho logistics đã gấp tới 2,5 lần giá thành sản phẩm. Điều này lý giải vì sao nhiều doanh nghiệp nông sản buộc phải hủy đơn hàng đến các thị trường quá xa hoặc tốn quá nhiều chi phí logistics và tìm kiếm những thị trường mới.

EU và Mỹ là 2 thị trường truyền thống của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Thực phẩm Đồng Giao, nhưng so với năm 2020, phí vận tải đường biển năm nay tăng tới 10 lần, họ buộc phải chuyển hướng sang khu vực Đông Bắc Á để giảm thiểu chi phí và dễ vận chuyển hơn. Kết quả kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp sang đây đã tăng tới trên 100% trong thời gian qua.

Doanh nghiệp cần làm gì để duy trì chuỗi cung ứng nông sản? - Ảnh 2.

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra một thách thức không nhỏ cho mục tiêu xuất khẩu rau quả 4 tỷ USD của năm nay. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

"Do chủ động được trong việc đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thì tổng quan về thị trường, về hoạt động kinh doanh sản xuất của chúng tôi không bị ảnh hưởng lớn", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu Thực phẩm Đồng Giao, chia sẻ.

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng trở lại đây, các buổi tư vấn vấn thị trường trực tuyến do họ tổ chức đã thu hút được hàng trăm doanh nghiệp tham gia, và các thị trường ở Bắc Á, Đông Nam Á được nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Chế biến, lưu kho để đến khi thuận lợi sẽ xuất hàng, tránh rủi ro về logistics quá cao trong thời điểm này cũng là cách một số doanh nghiệp tính đến.

Để duy trì việc xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ thường chuẩn bị khối lượng lớn các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất nhằm đối phó với việc dịch bệnh có thể còn diễn biến kéo dài.

Đại dịch COVID-19 đang tạo ra một thách thức không nhỏ cho mục tiêu xuất khẩu rau quả 4 tỷ USD của năm nay. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang chủ động nhiều giải pháp để duy trì chuỗi cung ứng. Thế nhưng, họ vẫn đang hoạt động với 50% công suất.

Nhiều doanh nghiệp nông sản kiến nghị cần có sự ưu đãi về vốn để một mặt thu mua nông sản cho người dân, một mặt thiết lập được trung tâm chế biến lưu trữ nông sản để giảm áp lực thời vụ cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Khơi thông chuỗi cung ứng nông sản cho khu vực phía Nam Khơi thông chuỗi cung ứng nông sản cho khu vực phía Nam

VTV.vn - Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chuỗi cung ứng nông sản tại khu vực phía Nam đang dần được phục hồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước