Yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng Tết Nguyên đán 2023
Thường xuyên quan tâm đến vấn đề tuyển dụng, sử dụng, cắt giảm việc làm, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng, chế độ chính sách cho người lao động. Đây là yêu cầu đặc biệt mà Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, bám sát diễn biến khi Tết nguyên đán đang cận kề.
Cụ thể, các tỉnh thành, chính quyền các cấp theo dõi sát hoạt động sản xuất kinh doanh và chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động, nhất là đối tượng ngừng việc, thiếu việc sớm ổn định cuộc sống. Yêu cầu các doanh nghiệp nỗ lực duy trì, bảo đảm chế độ; tiền lương, thưởng; nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kinh phí công đoàn… cho người lao động.
Năm nay, nhiều doanh nghiệp có mức lương thưởng cao hơn trước 30 - 40% như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Ảnh minh họa.
Thống kê sơ bộ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, những ngành bị ảnh hưởng như dệt may, da giày… có mức thưởng Tết giảm từ 15 - 20%. Còn lại phần lớn, mức thưởng Tết tương đương từ 1 - 2 tháng lương. Tại TP Hồ Chí Minh, mức thưởng bình quân của mỗi lao động là 12,88 triệu đồng, tăng hơn 45% so với năm ngoái. Tại Bình Dương là 6,1 triệu đồng… Mức thưởng Tết cao nhất hiện nay là gần 900 triệu đồng, thuộc về doanh nghiệp FDI tại Bình Dương.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: "Chúng tôi chỉ đạo công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng để thống nhất lương thưởng. Năm nay, nhiều doanh nghiệp có mức lương thưởng cao hơn trước 30 - 40% như ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai".
"Lương thưởng theo chúng tôi khảo sát thì không có biến động nhiều. Chỉ có những lĩnh vực bị cắt giảm giờ làm thì bị ảnh hưởng, các lĩnh vực khác cơ bản ổn", ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương thông tin.
Nỗ lực lo thưởng Tết cho công nhân
Số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, hơn 1/3 số doanh nghiệp tiến hành khảo sát cho biết, việc kinh doanh gặp khó khăn do giảm đơn hàng, khó thu hồi công nợ, buộc phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động theo quy chế, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Mặc dù ngành điện - điện tử còn gặp nhiều thách thức trong năm 2022, nhưng Công ty Datalogic Việt Nam vẫn nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng trên 10%. Doanh nghiệp cũng cam kết thưởng Tết là 1 tháng lương cho người lao động, theo đúng thoả ước đặt ra từ đầu năm.
Mức thưởng Tết cho mỗi công nhân sẽ từ 5,5 triệu đồng - trên 15 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn dành một khoản tài chính để chăm lo cho người lao động như tặng quà Tết, mừng tuổi, tặng vé tàu xe, sửa xe cho công nhân về quê đón Tết.
Ông Đặng Văn Chung - Tổng Giám đốc Công ty Datalogic Việt Nam cho biết: "Cân đối, tính toán ngân sách thì đã dự trù cả năm trước rồi. Trong chính sách của công ty và thoả ước lao động tập thể đã có thỏa ước về tháng lương 13. Đây là cam kết của công ty, không vì những khó khăn kinh doanh mà thay đổi điều đấy".
Nhiều doanh nghiệp cho biết, dù việc kinh doanh khó khăn vẫn cố gắng thưởng Tết cho người lao động theo quy chế, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường ngách và thị trường nội địa để giữ việc cho công nhân. Nhờ vậy, duy trì mức thưởng Tết tương đương năm ngoái, tức 1 tháng lương thực lĩnh.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết: "Do hoạt động 6 tháng cuối năm hoạt động cầm chừng và lỗ, nên năm nay doanh nghiệp chia sẻ với thành viên trong công ty là 1 tháng lương".
"Đại đa số doanh nghiệp vẫn duy trì mức thưởng ổn định. Cũng có thể một số doanh nghiệp về xuất khẩu như may mặc, da giày không duy trì được thì khoảng nửa tháng lương nhưng đây là số ít. Các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, công nghệ phụ trợ, xuất khẩu rau củ quả thì 2 - 3 tháng lương hoặc thưởng Tết nhiều hơn 1 tháng lương 13", ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, việc được giảm lãi suất cho vay và tiếp cận được vốn tín dụng cuối năm cũng là trợ lực để doanh nghiệp giữ mức thưởng Tết, giữ chân công nhân và chờ thị trường tươi sáng trở lại.
Người lao động chia sẻ với doanh nghiệp
Mức thưởng Tết có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đây là nỗ lực đáng trân trọng của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Còn với người lao động, năm nay là một năm chia sẻ để gắn bó với nhà máy, với doanh nghiệp.
Nhà máy giảm đơn hàng nhưng doanh nghiệp vẫn nỗ lực để giữ việc cho công nhân. Năm nay, cộng lương và phụ cấp, chị Trần Thị Liên được nhận gần 15 triệu đồng thưởng Tết.
Chị Liên chia sẻ: "Có thêm thưởng Tết, quà Tết giúp công nhân mình đón Tết, thêm nữa công việc rất ổn định từ đầu năm tới giờ. Gần cuối năm thì hàng hoá cũng nhiều. Thu nhập cuối năm ổn định vì cũng gần Tết tới nơi".
"Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". sự động viên kịp thời, đúng lúc đã mang lại ý nghĩa và sự khích lệ cho người lao động.
"Có thưởng Tết là vui lắm để trang trải cuộc sống. Tết ai cũng cần tiền cả, có thưởng đỡ hơn phần nào", anh Nguyễn Thành Hiệu - công nhân - nói.
Mặc dù thưởng Tết là không phải quy định bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Ảnh minh họa.
Đồng hành với doanh nghiệp, ngành chức năng cũng đã chủ động cung cấp thông tin cho người lao động hiểu về tình hình hiện tại, giúp họ yên tâm làm việc.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Chúng tôi đã thiết kế kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động, hỗ trợ 1 triệu lao động khó khăn dịp Tết này ít nhất là 500.000 đồng, có thể cao hơn. Thương lượng với người sử dụng lao động để có phương án phù hợp, kết nối việc làm giữa lao động dừng việc với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động".
Mặc dù thưởng Tết là không phải quy định bắt buộc, nhưng từ nhiều năm nay đã trở thành một nét văn hóa, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.
Nhìn vào các số liệu thống kê và những câu chuyện ở trên có thể thấy rằng, bên cạnh những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự chủ động của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự sẻ chia của người lao động, đã mang lại những hiệu quả tích cực tới thị trường, sự bền vững của thị trường lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!