Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), 70% doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo khó tìm được lao động đáp ứng được chuyên môn; 61% doanh nghiệp khó khăn cạnh tranh tuyển dụng. Khi các công ty cạnh tranh tuyển dụng nhân tài là lúc lao động có nhiều lợi thế hơn.
"Để giải quyết khó khăn trong tuyển dụng, 70% doanh nghiệp cho biết họ dùng các giải pháp như tăng lương, bổ sung các chính sách đãi ngộ, phúc lợi. Điều này cũng chứng tỏ lợi thế trong quá trình tuyển dụng đã dần nghiêng về người lao động, được đàm phán về mức lương và các chế độ phúc lợi khác", Tiến Sĩ Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết.
70% doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo khó tìm được lao động đáp ứng được chuyên môn. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo ManpowerGroup Việt Nam, trong 3 năm tới, 100% doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng nhân sự ở cả 3 cấp cao - trung - thấp để phục vụ cho nhu cầu mở rộng sản xuất, bù đắp lao động thuyên chuyển công việc và đặc biệt là đầu tư nâng cấp công nghệ và tự động hóa.
"Khi nguồn lao động có kỹ năng không còn đủ để doanh nghiệp tìm kiếm trên thị trường, thì phải nghĩ đến xây dựng nguồn nhân tài nội bộ thông qua việc đào tạo và phát triển họ. Chúng ta cần phải tính đến nguồn nữa đó là các cơ sở cung ứng việc làm, nhân sự, có thể thuê lại nguồn lực của họ", bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, miền Bắc, ManpowerGroup Vietnam, cho hay.
Để có cơ hội việc làm tốt hơn, các chuyên gia nhấn mạnh người lao động nên liên tục cập nhật, bổ sung các kỹ năng mới, bởi gần 50% các vị trí công việc trong ngành sản xuất sẽ thay đổi trong 3 năm tới. 65% công việc của thế hệ lao động kế cận - thế hệ Z hiện vẫn chưa xuất hiện trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!