Quý 1 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng hơn 13%. Tiếp tục trở thành điểm sáng của nền kinh tế sau năm 2023 dòng vốn FDI đạt cột mốc ấn tượng. Trong đó dự án đầu tư theo các tiêu chí xanh như dùng năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ máy móc đang xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhà máy đầu tiên đầu tư theo tiêu chí xanh của doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa vừa khởi công đầu năm nay tại Hưng Yên.
Phần vốn đầu tư 15 triệu đô la Mỹ bao gồm cho các hạng mục xanh như hệ thống năng lượng mặt trời hay áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là để doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn thay đổi của thị trường.
Ông Bhardwaj Vinay - Tổng Giám đốc Công ty Indorama Ventures Ngọc Nghĩa Việt Nam nhận định: "Chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng rất tốt. Để nắm bắt cơ hội tăng trưởng thì chúng tôi chọn cách là phải phát triển bền vững. Dưới góc độ kinh doanh, việc đầu tư cho các giải pháp xanh như tối ưu hóa năng lượng về dài hạn cũng giúp chúng tôi giảm chi phí. Việc tiếp cận nguồn vốn từ tổ chức quốc tế và ngân hàng cho các dự án xanh hiện cũng thuận lợi và chi phí rẻ hơn trước.
Các hệ thống xếp hàng tự động đã được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mở rộng tại Việt Nam trong những năm gần đây. Việc tăng cường đầu tư cho công nghệ, tự động hóa cũng là đặc điểm của các nhà máy được đầu tư theo tiêu chí xanh, vì nó có thể giúp giảm đi những nguồn lực lãng phí từ đó giám tiếp giảm phát thải ra môi trường.
4 nhà máy hiện có của nhà sản xuất thực phẩm đang trong lộ trình chuyển đổi toàn bộ sử dụng điện mặt trời, cũng như thường xuyên đầu tư máy móc tự động hóa.
"Việc đầu tư cho tự động hóa giúp chúng tôi vận hành hệ thống được hiệu quả hơn. Giảm các công đoạn không cần thiết. Điều này làm giảm tiêu thụ nhiên liệu, năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường", ông Võ Nhất Vũ - Giám đốc Nhà máy 02, Công ty TNHH URC Việt Nam co biết.
Năm 2023 ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện, tức là vốn đã giải ngân vào Việt Nam đạt hơn 23,2 tỷ đô la Mỹ - cao nhất từ trước đến nay. Số liệu từ Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển cũng cho thấy trong giai đoạn 2015 - 2022, Việt Nam thu hút gần 107 tỷ đô la Mỹ vốn FDI vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, cao thứ 2 trong số các nước đang phát triển.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: "Việt Nam đã có sẵn nhiều yếu tố để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng nếu nói riêng về vốn FDI xanh, gần 40% diện tích đất của Việt Nam có tốc độ gió trung bình thuận lợi cho phát triển điện gió. Nhiều vùng có mức bức xạ thuận lợi để phát triển điện mặt trời. Do đó tôi cho rằng Việt Nam có lợi thế về cả chính sách và điều kiện địa lý để cạnh tranh thu hút FDI xanh".
Theo giới chuyên gia, thu hút dòng vốn FDI xanh một cách hiệu quả kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên nhiều phương diện của nền kinh tế. Trong đó có cải thiện khả năng lan tỏa công nghệ của khối FDI sang doanh nghiệp trong nước. Bởi các dự án FDI xanh thường có sử dụng công nghệ hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!