Xuất siêu 8,08 tỷ USD trong quý I
5,66% là tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3. Nếu so với cùng kỳ 4 năm qua đây là mức cao nhất. Nhưng vẫn còn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu cả năm là từ 6% - 6,5% . Câu hỏi quan trọng hơn lúc này: Đâu sẽ là những động lực giúp chúng ta đạt được mục tiêu tăng trưởng đặt ra năm nay?
Trong 3 lĩnh vực chính: Nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, nổi bật hơn cả lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã chứng kiến đà bứt tốc vượt bậc từ mức nền tăng trưởng âm của năm ngoái. Như thường lệ, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là lực kéo chính cho cả khu vực kinh tế này. Đáng nói, chỉ số tồn kho và số lượng lao động trong lĩnh vực này đều đã cải thiện đáng kể, là chỉ báo xu hướng mở rộng sản xuất cho những quý tiếp theo, báo hiệu sự nhộn nhịp trở lại của các đơn hàng xuất khẩu.
4 đơn hàng quế, hồi, hồ tiêu đang được công nhân của Công ty Tuấn Minh song song chuẩn bị để kịp tiến độ xuất khẩu sang Ấn Độ và châu Âu.
Bà Lê Mai - Tổng Giám đốc Công ty Tuấn Minh cho biết: "Đơn hàng công ty chúng tôi đã có đến tháng 9. Các nhà máy bên châu Âu họ ký đơn hàng từ tháng 1 thì sẽ giao hàng từ tháng 1 đến tháng 9. Chúng tôi đã có kế hoạch thu gom nguyên liệu, nông sản thì theo mùa vụ. Vụ quế từ tháng 4 đến tháng 6, vụ tiêu từ tháng 3 đến tháng 4".
Không chỉ nông sản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may cũng liên tiếp đón những đơn hàng mới. Tình trạng ăn đong đơn hàng đã không còn xảy ra.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext) cho biết: "Hy vọng một năm 2024 có thể tăng trưởng 10% so với 2023. Các đơn vị có thể ký kết đơn hàng 6 tháng đầu năm, tuy nhiên mặt bằng giá chưa thực sự tốt, cho nên chúng tôi ký kết đơn hàng trong khoảng ngắn để lựa chọn chốt đơn hàng với mặt bằng giá tốt hơn".
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may liên tiếp đón những đơn hàng mới. Ảnh minh họa.
Cũng trong họp báo thường kỳ chiều 29/3, Bộ Công Thương cho biết quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô. Điều này cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi, hàng tồn kho giảm mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhạy bén trong việc tiếp cận đối tác tại các thị trường, chủ động nghiên cứu các quy định xuất khẩu từng thị trường và tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng, để đón được những đơn hàng giá trị xuất khẩu cao.
Như vậy, nếu như cùng kỳ năm ngoái Việt Nam thiếu hụt hẳn 1 trong 3 đầu tàu kinh tế là khu vực công nghiệp thì nay đầu tàu đó đã quay trở lại và hé lộ khả năng bứt tốc trong những quý tiếp theo. Nhưng liệu sự bứt tốc này có bị cản trở bởi mức lạm phát quý I khi mới 3 tháng đầu năm con số lạm phát bình quân đã là 3,77%?
Dù con số trên được Tổng cục Thống kê đánh giá là một mức phù hợp và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lo ngại về áp lực lạm phát cũng hoàn toàn có cơ sở, khi Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, chịu tác động không nhỏ từ diễn biến toàn cầu. Trả lời phỏng vấn phóng viên VTV, đại diện Cục quản lý giá, Bộ Tài chính đã khẳng định sẽ có những giải pháp để đảm bảo con số lạm phát trong mục tiêu 4,5% mà Quốc hội giao.
Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: "Chỉ số CPI quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ, đây là chỉ số CPI bình quân. Còn kỹ hơn thì chỉ số CPI của tháng 3 còn giảm 0,23% so với tháng 2, tức so với tháng trước là giảm chứ không phải tăng. Còn giá xăng dầu thì chúng ta cũng biết là chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu thế giới. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công Thương để điều hành mặt hàng này đạt kết quả cao nhất".
6,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới quý I
Triển vọng tăng trưởng kinh tế được đánh giá cao, còn lạm phát thì không quá đáng lo ngại. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục được củng cố, minh chứng qua con số 6,17 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới quý I, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Công ty Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao của nhà máy được đặt tại tỉnh Đồng Nai.
Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: "Tính đến nay, chúng tôi đã đầu tư gần 830 triệu USD, với 4 nhà máy tại Việt Nam. Thông qua dự án này, chúng tôi cũng mong muốn có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Tròn 4 năm có mặt tại Việt Nam, nhà bán lẻ quần áo LifeWear đến từ Nhật Bản đã có tới 22 cửa hàng. Còn thương hiệu AEON lại có đến 8 trung tâm mua sắm lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 1,18 tỷ USD
Không chỉ tất bật mở rộng mạng lưới các cửa hàng, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng lên 41,9%.
"Từ trước đến nay, chủ yếu các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp thương mại bán lẻ, các chuỗi siêu thị Nhật Bản cũng đầu tư vào Việt Nam, do họ cũng quan tâm đến tiềm năng và sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam", ông Ichiro Hara - Giám đốc điều hành Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) đánh giá.
Dù lượng vốn đăng ký cấp mới tăng đến hơn 57%, tuy nhiên, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần lại giảm mạnh trong quý I. Đây cũng là vấn đề cần chú ý để kịp thời lắng nghe tiếng nói của các nhà đầu tư hiện hữu và có những giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính: "Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hoá nền kính tế, giảm thiểu tối đa chi phí tiếp cận chính sách, tiếp cận thị trường và các chi phí mà thành lập doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải xem xét lại việc miễn giảm, hỗ trợ chi phí để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi".
Trước đây, ưu đãi về thuế là công cụ chủ yếu để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một khi mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng, Việt Nam sẽ phải cải thiện những công cụ khác để không bị chậm nhịp trên đường đua thu hút FDI.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài được minh chứng qua con số FDI. Còn niềm tin của doanh nghiệp trong nước, phần nào được thể hiện qua khảo sát của Tổng cục Thống kê đó là 45,4% số doanh nghiệp chế biến chế tạo được khảo sát tin rằng tình hình quý sau sẽ tốt hơn quý trước. Đáng nói là con số này đã tăng gấp đôi so với kết quả khảo sát chỉ mới cách đây 3 tháng.
"Về giảm thuế 2%, đến tháng 6 năm nay đối với các doanh nghiệp đã kích thích sản xuất và làm cho chúng ta có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng dòng vốn đầu tư; cũng giúp cho chúng ta có hàng hoá đủ tiêu chuẩn xuất đi các thị trường khó tính. Tất cả các chính sách hỗ trợ về đất đai vừa qua cũng tạo niềm tin cho nhà đầu tư để họ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin.
Đồng bộ hạ tầng giúp thu hút FDI VTV.vn - Dù xu hướng đầu tư mới toàn cầu chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Nhận định của nhiều nhà đầu tư tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!