Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 13/07/2024 06:50 GMT+7

VTV.vn - Dù thị trường có những bước phục hồi tích cực, song việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.

6 tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực tăng tốc sản xuất để đáp ứng tiến độ đơn hàng. Dù thị trường có những bước phục hồi tích cực, song việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.

Đã chủ động tăng lương ngay từ đầu năm, trước thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng có hiệu lực vào ngày 1/7 nhưng việc thu hút lao động vào làm việc ở nhà máy này vẫn là bài toán khó.

Ông Đào Xuân Khá - Trưởng phòng hành chính nhân sự, Công ty TNHH GFT Việt Nam, Hải Dương cho biết: "Chúng tôi cũng dùng nhiều phương án biện pháp để tuyển lao động địa phương và tuyển lao động tỉnh ngoài. Nhưng thực tế tuyển số lượng người lao động đến nhà máy làm việc đạt hiệu quả không cao".

Liên tục đăng tin tuyển dụng 1.500 lao động từ nhiều tháng nay để vận hành nhà xưởng mới trong 6 tháng cuối năm nhưng doanh nghiệp chưa bao giờ tuyển đủ.

Ông Rail Woo - Công ty TNHH BHFLEX VINA, Vĩnh Phúc chia sẻ: "Chúng tôi có khoảng 4.000 lao động và chúng tôi đang mở rộng cần thêm 2.500 lao động nữa. Tình hình tuyển dụng vẫn còn khó khăn do nhu cầu ngày một phát triển của công ty nên nguồn nhân lực vẫn còn hạn hẹp".

Doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng lao động - Ảnh 1.

Khó khăn nhất phải kể đến ngành dệt may - da giầy, khi nhiều năm nay luôn trong tình trạng cạn nguồn lao động trẻ bổ sung

Khó khăn nhất phải kể đến ngành dệt may - da giầy, khi nhiều năm nay luôn trong tình trạng cạn nguồn lao động trẻ bổ sung. Thời gian này, dù giá gia công sản phẩm đã nhích lên 10%, lương của người lao động cũng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu lao động.

Ông Lê Văn Hùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Hưng Vũ, Hưng Yên tâm sự: "Việc tuyển lao động bây giờ rất khó khăn với tất cả các ngành nghề nói chung và ngành may mặc nói riêng. Lao động ngành may là ngành được ít người lựa chọn nhất, đặc biệt là giới trẻ".

Dự báo từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 160.000 lao động, Hà Nội cần khoảng 120.000 lao động, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực lớn: thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: "Đơn hàng từ giờ đến cuối năm có chiều hướng được cải thiện tốt, có nhiều chỗ khó khăn trước đây đã quay trở lại đặc biệt như những ngành hàng dệt may, thủy hải sản và những ngành hàng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu. Chúng ta hy vọng trong thời gian tới, chỉ số xuất khẩu sẽ đạt được yêu cầu mong muốn và vượt. Từ giờ đến cuối năm sẽ khả dĩ hơn bởi vì người lao động cũng cần việc làm và người chủ sử dụng lao động mong muốn lao động làm việc cho mình".

Để tránh sự biến động lao động, hạn chế tổn thất về nguồn nhân lực lẫn hiệu quả sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn hơn trong việc quản lý nguồn nhân lực và các chính sách đãi ngộ tốt để giữ chân người lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước