Đang kinh doanh ổn định, bỗng một ngày chị My, Giám đốc công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ mỹ phẩm My Miu phát hiện trên mạng tràn lan những thông tin bịa đặt về công ty như địa chỉ kinh doanh là địa chỉ ma, các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm của công ty chị đều là giả mạo. Không chỉ vậy, chị My còn không khỏi bất ngờ khi tiếp sau đó trên một số trang mạng xuất hiện một số bài viết về công ty chị như một công ty ma lừa đảo khách hàng trong khi không hề có một phóng viên nào liên hệ với công ty của chị để xác minh thông tin. Cho đến giờ My cũng không biết được ai đã dựng kịch bản này và họ đang ở đâu.
Ông Cường, Giám đốc công ty Dona Teachno, một doanh nghiệp hàng kinh doanh trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật cũng không khỏi bức xúc khi trên thị trường xuất hiện một loạt sản phẩm rởm, mạo danh là đại lý độc quyền của công ty ông để lừa khách hàng. Thế nhưng khi tìm đến địa chỉ ghi trên bao bì thì đó là địa chỉ ma nên muốn kiện cũng không biết tìm ra ai để kiện.
Theo luật sư Vũ Văn Biền, từ đầu năm tới nay, số vụ các doanh nghiệp đến tư vấn pháp lý do bị bôi nhọ, bị giả danh tại văn phòng đã tăng khoảng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các vụ việc phần lớn mới dừng lại ở việc khiếu nại chứ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Do phần lớn doanh nghiệp không thể tìm thấy đối tượng bôi nhọ cũng như giả danh mình để đưa ra pháp luật xử lý.
Trước tình trạng này, một số doanh nghiệp cho biết, đến giờ họ đành bất lực, bỏ qua. Bởi thực tế có bức xúc bỏ tiền của tìm kiếm kẻ bôi nhọ giả danh, thậm chí tìm được rồi đi kiện thì các thông tin bôi nhọ cũng đã tràn làn trên mạng khiến người tiêu dùng càng hoang mang hơn. Vì vậy một số doanh nghiệp cho biết họ đành chấp nhận kệ cho thật giả lẫn lộn và cuối cùng người tiêu dùng là người thiệt hại nhất.
Quý vị quan tâm tới nội dung này có thể theo dõi chi tiết trong video sau đây: