Không chỉ các tập đoàn lớn đang đưa ra các chiến lược tái cơ cấu, chia nhỏ... để ứng biến với những khó khăn chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các startup, cũng đang phải tính đến các giải pháp để thúc đẩy dòng vốn cho đổi mới sáng tạo.
Tại Việt Nam, lượng vốn mạo hiểm đầu tư cho các công ty startup năm 2022 chỉ đạt hơn hơn 630 triệu USD, giảm hơn một nửa so với năm 2021. Đây là số liệu chính thức được Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia công bố cách đây ít ngày.
Từ mức đỉnh ghi nhận năm 2021, dòng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt Nam giảm đến 56% trong năm 2022 xuống chỉ còn hơn 630 triệu USD. Thời điểm này còn quá sớm để nói về năm 2023. Tuy nhiên điểm tích cực là một số công ty khởi nghiệp đang tìm nhiều cách để thay đổi tình hình, nỗ lực "thoát đáy".
Công ty công nghệ được định giá tỷ đô từ Singapore đã vào thị trường Việt Nam được gần 6 năm. Trước bối cảnh khó khăn chung, startup cho biết vẫn tăng trưởng tại Việt Nam, nhờ chiến lược sử dụng nguồn vốn mới 120 triệu USD một cách hợp lý.
Các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các startup, đang phải tính đến các giải pháp để thúc đẩy dòng vốn cho đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi cắt giảm chi phí bằng cách không làm marketing quá nhiều hay tổ chức những sự kiện hoành tráng. Mục đích là để giữ được nguồn nhân lực, là yếu tố then chốt quyết định thành công bên cạnh công nghệ", ông Orkan Akcan, Phó Chủ tịch Điều hành Bộ phận Phát triển quốc tế, Insider, cho biết.
Báo cáo mới cho thấy các thương vụ lớn trị giá hơn 50 triệu USD vào Việt Nam giảm mạnh, đặc biệt vào nửa cuối năm 2022 khi lượng vốn chỉ bằng 35% so với nửa đầu năm, cho thấy nhà đầu tư có thể vẫn rót tiền, nhưng với giá trị ít hơn nhiều.
Theo chuyên gia, sự thay đổi này cũng chính là "màng lọc" buộc các startup hoạt động hiệu quả hơn.
"Cách chúng tôi tiếp cận với các startup không còn quá hào hứng mà sẽ thận trọng hơn nhiều. Chúng tôi đánh giá cách các công ty sống sót qua thời điểm khó khăn này, cũng như có một lộ trình rõ ràng để đạt lợi nhuận", ông Kim Hong Jin, Giám đốc Điều hành, Quỹ STIC Investment, cho hay.
"Bối cảnh hiện nay sẽ khó khăn hơn cho startup vì sẽ có ít hơn các nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên tôi cho rằng đây lại chính là thời điểm nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn nên đầu tư. Quỹ có kế hoạch tăng gấp 4 lần mức đầu tư hiện tại cho thị trường Việt Nam", ông Vinnie Lauria, Giám đốc Hợp danh, Quỹ Golden Gates Ventures, đánh giá.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thúc đẩy tốt hơn dòng vốn mạo hiểm, trước mắt năm nay có dự thảo sửa đổi các quy định thành lập quỹ đầu tư.
"Chúng tôi sẽ rà soát lại số lượng thành viên của các quỹ đầu tư thế nào, tỷ lệ nắm giữ của mỗi thành viên ra sao cho hợp lý. Thứ ba là sự tham gia rút vốn cũng phải diễn ra nhanh chóng hơn để các quỹ đầu tư thành lập nhanh hơn", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định.
Giới quan sát đánh giá, bối cảnh khó khăn đã khiến "bong bóng" công nghệ vỡ ra. Có trường hợp định giá của các công ty công nghệ ở một số nước phát triển giảm đến 70 - 80%. Điều này không xuất hiện tại Việt Nam do thị trường nước ta vẫn đang phát triển, phần nào tạo ra xu hướng dịch chuyển của nhà đầu tư tìm đến Việt Nam, mang đến cơ hội cho các startup có chất lượng tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!