Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị và nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đề ra chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, coi đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu và số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Khung tre của một chiếc xe đạp tre ở Việt Nam được ghép từ rất nhiều thanh tre trồng tại Thanh Hóa. Một cây tre thông thường có giá khoảng 30.000 đồng. Một chiếc xe đạp tre giá hơn 60 triệu đồng. Rõ ràng, nếu bán tre như là nguyên liệu thô thì giá rất rẻ, còn bán xe đạp tre như sản phẩm sáng tạo, giá trị tăng lên hàng trăm lần.
Chiếc xe đạp tre của Việt Nam.
"Nếu chúng ta biết tận dụng thế mạnh từ cây tre Việt Nam và áp dụng công nghệ để tạo ra những vật liệu hoàn hảo thì cây tre thực sự phát huy được rất nhiều giá trị lớn", anh Nguyễn Văn Tuyền, Sáng lập Công ty khởi nghiệp Trevi Bike, chia sẻ.
Câu chuyện về xe đạp tre như một ví dụ cho thấy sự sáng tạo làm giá trị sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đẩy mạnh sáng tạo.
9 tháng đầu năm 2020, 99.000 doanh nghiệp đã thành lập mới, đa số là các doanh nghiệp khoa học công nghệ hoặc ứng dụng các nền tảng của khoa học công nghệ. Nhờ đó, năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 42 thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Trong khó khăn của đại dịch, các doanh nghiệp càng thấy sự cần thiết của việc đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Chúng ta có sự cải thiện vượt bậc về sản phẩm mới, về số lượng các công trình công bố quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, giữa trường đại học với các doanh nghiệp và cải tiến sáng tạo tri thức, truyền tải tri thức", Giáo sư Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhiều bộ ngành khác đã đề ra các chương trình hành động đến năm 2025, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo.
COVID-19 đã làm 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, 19 triệu lao động mất việc làm. Tuy nhiên trong khó khăn của đại dịch, các doanh nghiệp lại càng thấy sự cần thiết của việc đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đang được các doanh nghiệp, Chính phủ bắt tay thực hiện, hiện thực hóa tầm nhìn đến 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!