Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo sửa đổi thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo hướng mở rộng phạm vi và kéo dài thời hạn cơ cấu nợ hơn.
Dự thảo cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ với các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021, mở rộng hơn so với mốc 10/6/2020 như quy định hiện nay. Bởi hiện tại, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp không đủ sức trả nợ cho khoản vay suốt 1 năm qua, từ sau ngày 10/6/2020.
Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí thêm 6 tháng, đến 30/6/2022, thay vì mốc cuối năm 2021 như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp mong muốn kéo dài thêm thời hạn này, bởi đợt bùng dịch lần thứ 4 diễn biến khó lường, đã ảnh hưởng tới nhiều khu công nghiệp.
Dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp không đủ sức trả nợ cho khoản vay suốt 1 năm qua. (Ảnh minh họa: TTXVN)
"Khi hoãn trong trung hạn như vậy giúp dòng tiền của doanh nghiệp có sự tích trữ một cách cố định và dài hạn để họ có số tiền tái đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện nay đang hạn chế về dòng tiền, hạn chế về vốn tích trữ cũng như quỹ trích lập dự phòng rủi ro", Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết.
"Theo quan điểm của chúng tôi, tối thiểu cần kéo dài trong khoảng 24 tháng, để các doanh nghiệp có thời gian thực hiện tái cấu trúc và phục hồi sản xuất kinh doanh, từ đó có thể trả được vay ngân hàng", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho hay.
Theo ước tính, nếu dự thảo được thông qua, sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có khả năng sẽ được cơ cấu. Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 198.000 khách hàng với dư nợ gần 310.000 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!