Trước yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về việc các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, tức là các khoản nợ mà DN đang vay ngân hàng, ngày 12/7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với 16 tổ chức tín dụng và thống nhất giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đến 2,5% cho từng khoản vay. Tính trung bình, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%. Thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021. Nếu yêu cầu này sớm được thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí.
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,5 - 1%/năm so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lãi suất huy động giảm mạnh hơn, đến 2,3%. Vì thế, các ngân hàng sẽ có nhiều dư địa giảm lãi suất cho vay trong nửa cuối năm.
Bà Nguyễn Phương Thanh, chuyên viên phân tích ngành Ngân hàng, CTCK VNDirect, cho biết: "Bốn ngân hàng thương mại nhà nước sẽ là đầu tàu trong việc giảm lãi suất cho vay, có thể giảm ngay lập tức, còn phía các ngân hàng cổ phần sẽ có độ trễ khoảng 1 tháng".
Tổng dư nợ cho vay hiện khoảng 9,5 triệu tỷ đồng. Giả sử nếu lãi suất cho vay giảm 1%, tương đương các ngân hàng sẽ giảm 95 nghìn tỷ đồng tiền lãi. Vì thế, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc giảm lãi suất cần tính toán tới từng nhóm khách hàng, cân đối giữa việc hỗ trợ người dân, DN và đảm bảo hiệu quả an toàn hoạt động ngân hàng.
Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nói: "Hỗ trợ phải nhằm đúng vào một số đối tượng và lĩnh vực chịu tác động tiêu cực như du lịch, vận tải. Thứ hai là không cào bằng theo lĩnh vực và không cào bằng giữa cá địa phương vì tình hình dịch các địa phương khác nhau".
Hầu hết các ngân hàng đều đang có gói tín dụng ưu đãi giảm từ 0,5-1% nhưng hầu hết dành cho vay mới, việc giảm lãi cho những khách hàng đang vay vốn mới chủ yếu ở các ngân hàng thương mại lớn, có vốn nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!