Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú vừa giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận tín dụng
Ông Đào Minh Tú cho rằng, dịch COVID-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thống đốc NHNN nêu thực tế: Doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
NHNN đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…, ông Đào Minh Tú nêu rõ.
Song, Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
"Mọi hoạt động của ngân hàng phải hài hoà song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng TCTD nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn. Đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã nêu ra các ý kiến cũng như đề xuất để tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất - kinh doanh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân…", ông Đào Minh Tú khẳng định.
Phó Thống đốc NHNN nêu rõ: Vào thời điểm này, toàn hệ thống ngân hàng cần tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân ở mức độ cao hơn, tương đồng với những khó khăn tăng lên của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các giải pháp, biện pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất.
"Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, cho cả hệ thống ngân hàng và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia. Hệ thống ngân hàng tiếp tục thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội bằng những hành động cụ thể, chương trình hành động cụ thể, sẽ được Thống đốc NHNN ban hành trong thời gian tới với các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn Ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các TCTD để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Hạ lãi suất là bài toán khó
Đề cập chuyện hạ lãi suất, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng phân tích lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực. Năm 2021, dự báo lạm phát của Việt Nam có thể khoảng 3,5%, trong khi toàn cầu khoảng 2,8%, Trung Quốc 1,8% và ASEAN-4 khoảng 2%. Người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỉ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương.
Nếu hạ lãi cho vay thì các ngân hàng phải hạ lãi suất huy động, khi đó hệ thống ngân hàng vừa thiếu tiền gửi, vừa hứng chịu rủi ro thanh khoản, vừa không có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Lúc này, hệ thống tài chính - tín dụng có thể bị rối loạn và doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư kinh doanh, lấy đâu ra nguồn lực để tăng trưởng, để bảo đảm công ăn việc làm, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Ông Lực nhấn mạnh: Lãi suất hiện nay không phải là điểm nghẽn đối với tín dụng vì lãi suất cho vay đang ở mức thấp và tín dụng ngân hàng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6% so với đầu năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, định hướng giảm lãi suất hiện nay của NHNN là đối với dư nợ hiện hữu cũng như một phần các khoản vay mới, phù hợp với Nghị quyết 63 của Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2021 vừa qua.
Việc các TCTD giảm lãi suất như vậy là tiếp tục đồng hành, chia sẻ trách nhiệm cùng với người dân và DN trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng phải đảm bảo vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa an toàn năng lực tài chính của các TCTD, nhất là rủi ro tiềm ẩn nợ xấu còn lớn... Theo đó, ông Lực đề nghị việc hỗ trợ giảm lãi suất cần đảm bảo nguyên tắc: không cào bằng, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ, đúng lĩnh vực và địa bàn (vì mức độ tác động của dịch bệnh rất khác nhau và khả năng phục hồi của các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cũng rất khác nhau...), TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.
Đồng quan điểm này, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: Lãi suất rẻ là con dao 2 lưỡi. Nó có thể làm tăng khả năng vay mượn của người dân vào mục đích đầu cơ bất động sản. Khi dòng tiền đổ vào bất động sản quá lớn, giá sản phẩm tăng mạnh, đến một ngưỡng nào đó sẽ tạo ra bong bóng và khi vỡ sẽ có thể để lại hệ lụy lớn trên thị trường. Đó là kịch bản xấu nếu áp dụng chính sách lãi suất rẻ. Nhìn vào thực tế, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ như vậy khi hiện tại, hiện tượng đầu cơ đất đai ở nước ra vốn dĩ đã nhiều.
Mặt khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam rất khó có thể áp dụng chính sách này vì hệ thống tài chính chưa có sự ổn định. Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối diện với nhiều bất ổn như dịch bệnh. Đặc biệt, sau hơn 1 năm ảnh hưởng của Covid-19, nhiều ngành nghề bị lao đao. Xuất nhập khẩu có phần gián đoạn. Chuỗi sản xuất ở một số khu công nghiệp bị đứt gãy. Cho đến hiện tại, hơn 60.000 doanh nghiệp đã phá sản. Giá xăng dầu tăng. Chí phí đầu vào cũng không ngừng tăng. Trong khi, số người thất nghiệp leo thang. Với những bất ổn như vậy thì việc kéo lãi suất đi xuống là điều khó thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các yếu tố hiện tại cho thấy ít có cơ hội để các ngân hàng hạ lãi suất, vì vậy nên, theo ông, hãy để thị trường tự điều chỉnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!