Doanh nghiệp mong muốn rộng cửa tiếp cận vốn tín dụng

VTV Digital-Thứ năm, ngày 14/03/2024 14:00 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần "Cùng làm - cùng hưởng - cùng thắng", đề cao trách nhiệm của ngân hàng và doanh nghiệp, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sáng nay (14/3), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Đây là sự kiện được cả thị trường mong chờ, khi lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành đã trực tiếp lắng nghe các vướng mắc và đề xuất của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đây là cuộc họp được thị trường mong chờ, rất nhiều đề xuất đã được đưa ra. Đã có khoảng 300 doanh nghiệp và hiệp hội từ tất cả các lĩnh vực có mặt tại Hội nghị. Tinh thần của cuộc họp là đánh giá một cách khách quan, tìm ra các nguyên nhân, khó khăn vướng mắc trong tiếp cận, hấp thụ vốn và hướng giải quyết cho các doanh nghiệp.

Trên thực tế, đến ngày 29/2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm ngoái. Hai nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ tín dụng thường tăng chậm vào đầu năm, và do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao. Như chia sẻ của Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex bên lề sự kiện: Việt Nam đang là quốc gia có lãi suất thực dương cao nhất trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Bangladesh, Thổ nhĩ Kỳ, Trung Quốc.

Lãi suất phải trả cho các đơn hàng của Vinatex trên báo cáo hợp nhất trong năm 2023 tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ của họ lại giảm 10%. Khó khăn không nằm ở dệt may mà nằm ở ngành sợi. Do đó, doanh nghiệp mong muốn giảm lãi suất, được nới hạn mức tín dụng. Đây cũng là đề xuất của nhiều doanh nghiệp hôm nay.

Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: "Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu tài sản đảm bảo 100% với cả khoản vay ngắn hạn cho năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này của các khoản vay chỉ khoảng 20%. Hiện nay ngành sợi có 10 triệu cọc sợi, giá trị tài sản nếu đầu tư mới khoảng 6 tỷ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỷ USD. Hiện nay, mỗi năm phải trả ngân hàng trả tài sản cố định đầu tư này 300 triệu USD. Nếu chúng ta giảm hạn mức tín dụng thì có thể an toàn trong ngắn hạn, nhưng nếu trong dài hạn thì lại mất an toàn, vì không sản xuất thì không có tiền".

"Chúng tôi rất mong muốn hỗ trợ về lãi suất trung và dài hạn. Rồi tăng hạn mức tín dụng ở các ngân hàng. Với Việt Nam Airlines chúng tôi đã phục hồi 90%, tổng doanh thu 100 ngàn tỉ/năm. Chúng tôi rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới hạn mức tín dụng cho Việt Nam Airlines", ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phát biểu tại Hội nghị.

Doanh nghiệp mong muốn rộng cửa tiếp cận vốn tín dụng - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Bên lề hội nghị, một số doanh nghiệp cũng đề xuất, kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến cuối năm nay thay vì phải dừng ở tháng 6. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, bên cạnh trách nhiệm của các bộ ngành, bản thân doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực cũng phải thực hiện tái cơ cấu.

Phát biểu kết thúc hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu những giải pháp đưa ra cần thực chất, hiệu quả, gỡ đúng các vướng mắc cho doanh nghiệp. Việc điều hành Chính sách tiền tệ cần chủ động linh hoạt, hài hoà giữa lãi suất - tỷ giá- kiểm soát lạm phát để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh tinh thần "Cùng làm - cùng hưởng - cùng thắng", đề cao trách nhiệm của các bên, cả phía ngân hàng và doanh nghiệp, để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước