Nguồn ảnh: Reuters.
Tủ lạnh, máy làm đá và nhiều đồ gia dụng khác là những mặt hàng Công ty Newair nhập khẩu từ Trung Quốc. Hồi năm ngoái, với việc bị áp thuế 10%, công ty này đã phải tìm cách cắt giảm chi phí và thương thảo với các nhà bán lẻ để nâng giá một số mặt hàng. Thế nhưng việc thuế tăng từ 10 lên 25% lại là một thách thức lớn hơn nhiều.
Ông Uke Peters, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Newair cho hay: "Tất nhiên, tôi không vui vẻ với việc tăng thuế nhưng cũng không thể bi quan mãi được. Chúng tôi phải tìm ra cách giải quyết vấn đề và tiếp tục tiến lên".
Một kế hoạch đầy tham vọng được đưa ra. Thay vì chỉ giới thiệu không quá 10 mặt hàng mới như những năm trước, New Air tung ra 50 - 60 sản phẩm mới hoặc sản phẩm cải tiến ngay trong năm nay. Điều này cho phép công ty đặt lại mức giá khi chi phí leo thang, qua đó duy trì doanh thu trong thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên, việc tăng giá sản phẩm cũng phải đi kèm với những biện pháp để đảm bảo khách hàng và các nhà bán lẻ sẽ vẫn cảm thấy hài lòng.
"Với việc tăng thuế này, chúng tôi buộc phải tăng giá sản phẩm. Nhưng người tiêu dùng không muốn phải trả thêm 25% cho cùng một sản phẩm. Vì vậy, kế hoạch của chúng tôi tập trung vào đổi mới các sản phẩm, để khi ra thị trường, chúng sẽ có giá trị hơn đối với người tiêu dùng" - ông Uke Peters, Chủ tịch kiêm CEO Công ty Newair, Mỹ cho hay.
Hiện Newair đã làm việc với các đối tác từ nhà máy sản xuất tại Trung Quốc cho tới hãng bán lẻ tại Mỹ, để giảm thiểu chi phí cho việc thực hiện các cải tiến sản phẩm. Giảm lương nhân viên hay biên lợi nhuận thấp hơn là điều mà các doanh nghiệp như Newair buộc phải chấp nhận. Trong dài hạn, hãng cũng đã lên kế hoạch tìm kiếm những nguồn hàng khác từ Ấn Độ và Mexico để phòng ngừa nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!