Ba đời làm nghề nuôi vịt ở New York nhưng đây là lần đầu tiên gia đình ông Douglas (Chủ tịch Công ty Vịt Crescent) gặp nhiều khó khăn đến vậy.
Chiếm khoảng 4% lượng vịt thịt toàn thị trường Mỹ, mỗi ngày đàn vịt nhà ông Douglas tiêu thụ hết gần 40 tấn thức ăn. Hầu hết số thức ăn này và cả máy móc đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số đã bị đánh thuế cao, số còn lại đang có nguy cơ nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Cách trang trại của ông Douglas 6 giờ bay, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ ép của ông Ofir (Chủ tịch Công ty Gỗ ép Plywood Source) đã vượt qua được giai đoạn mông lung về chính sách. Khi biết chính phủ mới có thể áp thuế cao lên hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, ông đã bẻ lái kinh doanh.
Chi hàng chục triệu USD để chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác, tới thời điểm hiện nay, 100% hàng hóa của Vông ty Plywood không còn gắn mác "Made in China". Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, những căng thẳng thương mại giữa hai bên đang khiến 2/3 số doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc quyết định tạm ngưng hoặc hủy hẳn các đầu tư vào nước này. Trong số này chỉ có 6% nói đầu tư trở lại Mỹ. Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ là bến đỗ mới của họ.
Những chính sách mới, những mức thuế mới có thể tạo ra rào cản nhất định đối với công việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ với các đối tác tại Trung Quốc. Thế nhưng với những doanh nghiệp lạc quan như doanh nghiệp gỗ này, đây là thời điểm để tìm ra cơ hội và lối thoát mới. Cơ hội và lối thoát ở đây chính là việc tìm ra nguồn hàng mới, đối tác mới. Bởi chính sách có thể là nhất thời, nhưng công việc kinh doanh mới là lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!