Doanh nghiệp, người dân mong chờ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng

VTV Digital-Thứ tư, ngày 05/04/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trên thị trường bất động sản trong những ngày vừa qua.

Chiều 3/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn gửi các ngân hàng thương mại, ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với quy mô khoảng 120.000 tỷ đồng.

Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cụ thể, trong Nghị quyết số 33, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi. Tiếp đó, ngày 3/4, Quyết định số 338 của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành, với nội dung "Phê duyệt đề án "đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Có thể thấy, liên tiếp các chỉ đạo liên quan tới thị trường bất động sản đã được ban hành, dự báo tác động tích cực lên thị trường này.

Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã trở thành chủ đề được thảo luận sôi nổi trên thị trường bất động sản trong ngày hôm nay. Nhiều người mua nhà, có mức thu nhập trung bình và thấp đã ngóng chờ gói vay ưu đãi này từ lâu, được so sánh tương tự như gói 30.000 nghìn tỷ đồng, từng triển khai rất thành công cách đây 10 năm trước, giúp nhiều người mua được nhà tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, quy mô, cách thức, lãi suất cho vay sẽ có những điểm khác biệt cụ thể.

4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ triển khai gói tín dụng này bao gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Đại diện NHNN cho biết, ngày 1/4 đã có văn bản tới các NHTM và chi nhánh NHNN tại các tỉnh, thành phố để nhanh chóng đưa gói tín dụng vào giải ngân.

NHNN quy định thời hạn giải ngân của gói tín dụng này kéo dài từ 1/4 đến 31/12/2030. Các NHTM sẽ tự huy động nguồn vốn của mình để cho vay các đối tượng kể trên. NHNN cho biết, sẵn sàng cho phép các ngân hàng khác tham gia, với điều kiện tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý.

Như vậy, phía chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi. Chủ đầu tư là 8,7%/năm; đối với người mua nhà là 8,2%/năm, áp dụng đến hết ngày 30/6 tới. 

Doanh nghiệp, người dân mong chờ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp, người dân mong chờ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng

Thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng và chưa sở hữu nhà ở, chị Trịnh Thị Phượng, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Chị cho biết, hiện đang tìm mua một dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thông qua hình thức vay ngân hàng. Với chính sách giảm lãi suất từ gói hỗ trợ tạo điều kiện mua nhà được dễ dàng hơn.

Chị Trịnh Thị Phượng cho biết: "Tôi thấy mức lãi suất này nó phù hợp với tôi và kể cả những người có thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh. Việc mua nhà ở xã hội thứ nhất là tạo sự ổn định về chỗ ở, công việc của tôi, không phải đi nhiều nơi để tìm nhà thuê. Thêm nữa, việc mua nhà ở xã hội phù hợp với mức thu nhập hàng tháng".

Thống kê từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong 2 năm vừa qua, nguồn cung nhà ở xã hội chững lại khi chỉ đưa vào hoạt động 1 dự án với 260 căn hộ trong khi theo kế hoạch triển khai thì đến năm 2025, thành phố phải tạo lập được 35.000 căn. Bên cạnh những khó khăn như thủ tục đầu tư còn phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài…, chủ đầu tư thiếu dòng vốn vay là một trong trở ngại lớn nhất. Do đó, gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng chính thức được áp dụng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để làm dự án.

Lãnh đạo công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho biết, để làm dự án nhà ở xã hội, họ phải tiếp cận vốn vay thương mại với lãi suất 14%/năm. Nếu áp dụng lãi suất 8,7%/năm từ gói hỗ trợ giúp chủ đầu tư sẽ tiếp cận được dòng vốn mới để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, nhận định: "Gói hỗ này này là cú hích cho thị trường đối với mảng nhà ở xã hội, những người thu nhập thấp. Nó cũng tạo cho các chủ đầu tư chúng tôi có một nguồn để vay với lãi suất dù giảm 2% cũng đỡ hơn".

Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết tháng 6 và tiếp tục tính định kỳ 6 tháng tiếp theo. Doanh nghiệp cho rằng, thời gian này sẽ khó có nhiều dự án để hưởng ưu đãi vì thủ tục pháp lý dự án có thể kéo dài một năm. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị, song song với gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng, nhà nước có thể tính đến gói cấp bù lãi suất ở mức 3-4%/năm. Từ đây, chủ đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất khoảng 5%/năm, tạo động lực đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội.

Sau tháng 6 tới, tức là từ 1/7, định kỳ mỗi 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi đến các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này. Và chúng ta yên tâm rằng: Nguyên tắc xác định lãi suất theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, luôn thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay trung dài hạn bằng VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước, tức là việc cho vay vốn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, sẽ luôn thấp hơn lãi suất cho vay thương mại của ngân hàng. Để nhiều người dân, nhiều chủ đầu tư được hưởng gói vay ưu đãi này, cần phải đẩy nhanh các dự án mới ra thị trường mới đảm bảo có người vay.

Doanh nghiệp, người dân mong chờ gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Giải pháp triển khai hiệu quả gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng

Ông Lê Đình Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Everland: Bất kì nguồn vốn nào đưa ra thị trường cũng là đáng quý cả, đặc biệt là vốn ngân hàng ở mức hợp lý. Phải tính đến sự sẵn sàng của thị trường, là chúng ta có lượng hàng hoá để hấp thụ nguồn vốn này hay không. Tôi biết là số lượng dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp và dự án cải tạo chung cư cũ cũng chưa nhiều.

GS, TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Chúng ta phải đưa ra những cơ chế để những người nào thực sự có nhu cầu mới tiếp cận nhà ở xã hội đó, nếu những người có động cơ mua để trục lợi, ví dụ mua đi, bán lại chờ đầu cơ, chúng ta phải có công cụ để điều tiết hành vi đó. Như vậy là kết hợp, kể cả những tiêu chí xét người được mua, cũng như cơ chế kiểm soát việc đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời.

Hy vọng với chương trình cho vay ưu đãi, số lượng dự án nhà ở xã hội sẽ tăng lên nhiều hơn nữa trong thời gian ngắn sắp tới, để người mua nhà có thể tiếp cận được. Nguồn cung tăng lên cũng giúp tránh được cảnh phải xếp hàng mua, bốc thăm, hoặc tránh được những tiêu cực trong quá trình mua, bán, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo các doanh nghiệp, bên cạnh nguồn vốn, việc giải quyết khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, quỹ đất để triển khai các dự án cũng cần đẩy nhanh hơn, tháo gỡ thần tốc hơn, để tăng nguồn cung nhà ở.

Trong Nghị định 33 và các công văn, công điện liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm "Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững". Với những động thái quyết liệt, nhanh chóng này, nhiều ý kiến kỳ vọng, thị trường bất động sản sẽ sớm hồi phục và tạo lập sự cân đối cung - cầu về nhà ở, hướng tới người dân có nhu cầu ở thật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước