Doanh nghiệp nỗ lực tái sinh rừng ngập mặn từ cánh rừng Net Zero

VTV Digital-Thứ tư, ngày 25/09/2024 14:51 GMT+7

VTV.vn - Để hiện thực hoá cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực chung tay bằng những giải pháp cụ thể.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 145 quốc gia tuyên bố hưởng ứng mục tiêu Net Zero, trong đó bao gồm Việt Nam. Và để hiện thực hoá cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cộng đồng doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực chung tay bằng những giải pháp cụ thể. Song song việc chuyển đổi công nghệ, cắt giảm nhiên liệu hoá thạch, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, việc nỗ lực tái sinh tài nguyên rừng, bảo vệ rừng bền vững đang được nhiều doanh nghiệp theo đuổi, bước đầu đã có kết quả rõ nét từ hướng đi này tại một số địa phương.

Sau khi khoanh trồng, những hạt của cây mắm đã bắt đầu sinh sôi và phát triển. Với cây mắm con đã trồng được một năm, nếu tính từ gốc cho đến ngọn thì cây đã cao khoảng 80 cm, bắt đầu bám đất và giữ đất. Từ đó, tạo cho cây đước bên trong sẽ phát triển.

Một năm trước, 25 ha đất mênh mông là nước giờ đã phủ một màu xanh từ những cây mắm đang phát triển mỗi ngày. Đây là cánh rừng Net Zero, phục hồi rừng ngập mặn bằng giải pháp khoanh nuôi, tái sinh tự nhiên. Sau một năm khoanh nuôi, đến nay cánh rừng đã phát triển khoảng 70.000 cây mắm. Với 25 ha dự kiến sẽ tái sinh 100.000 cây cho rừng ngập mặn.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, mỗi năm địa phương mất đi 350 – 400 ha rừng ngập mặn do bị sạt lở. Trong khi kết quả nỗ lực tái sinh, trồng rừng từ năm 2020 đến nay mới chỉ đạt được 300 ha. Tức là 4 năm trồng rừng chỉ phục hồi được diện tích mất đi hàng năm. Do đó, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các kế hoạch để trong việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, trong đó có sự đóng góp vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhận định: "Chúng tôi đang rất ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, chúng tôi cũng lồng ghép vào trong các dự án sẵn có của địa phương. Chỉ đạo cho chính quyền địa phương, cơ sở, chỉ đạo các chủ rừng tích cực tham gia cùng các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong việc khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng. Có nghĩa là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia vào công việc này".

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia đưa ra quan điểm: "Chúng ta chưa có thị trường carbon để có thể tính toán các tín chỉ carbon cho các doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội về một khoản đầu tư vào cho rừng, để phát triển rừng tại Việt Nam. Nếu chúng ta có một thị trường carbon đi vào hoạt động, chúng ta sẽ phát huy được vai trò của doanh nghiệp, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ thêm để có thể đi trồng rừng".

Những cánh rừng rồi sẽ được mở rộng, những bãi bồi nơi Đất Mũi tiếp tục được nối dài. Và những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bổ sung thêm quỹ đất là cơ sở để mục tiêu này thành hiện thực. Từ đó, sớm hình thành những bể hấp thụ carbon trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước