Tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay, theo Nghị định 06, các cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Sau đó, giai đoạn từ 2026 - 2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các doanh nghiệp.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Tuy nhiên, nếu phát thải quá mức doanh nghiệp vẫn còn lựa chọn mua tín chỉ carbon, khi dự kiến tới 2025 Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm sàn giao dịch tín chỉ carbon, trước khi đi vào vận hành chính thức vào năm 2028. Khi đó sản xuất trung hoà carbon sẽ không chỉ còn là xu hướng, mà là bắt buộc và việc kê khai khí nhà kính phát thải tại các doanh nghiệp được đánh giá là bước khởi đầu quan trọng cho lộ trình trên.
Hiện trên cả nước có gần 2000 cơ sở, doanh nghiệp phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh minh họa.
Công ty CP Công nghệ cao Traphaco cho biết, để vận hệ thống lò hơi 24/24, doanh nghiệp dùng nguyên liệu đầu vào là viên nén mùn cưa thay cho than cám. Nhờ có hoạt động kiểm kê, lần đầu tiên họ đã xác định được trong năm vừa qua, lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động này khoảng 6.000 tấn và là nguồn phát thải lớn nhất của họ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để họ đổi mới công nghệ thích nghi với quy định mới về phát thải khí nhà kính.
Phương pháp kiểm kê đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng, dựa vào số liệu các nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh như than, xăng, dầu, điện… để quy đổi ra được lượng phát thải khí nhà kính. Vì vậy, để xác định lượng phát thải một cách chính xác cần minh bạch thông tin này.
Từ việc kiểm kê phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp cũng sẽ lên lộ trình để cắt giảm phát thải khí nhà kính. Từ đó xác định được chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, hay sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện.
Hiện trên cả nước có gần 2000 cơ sở, doanh nghiệp phát thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!