Theo một khảo sát mới được thực hiện bởi ngân hàng lớn nhất nước này thì khối lượng giao dịch bằng đồng nhân dân tệ đã tăng 5 lần trong năm trước, tập trung ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sáu tháng trước, ông Nutsakol Charoensatit đã thành lập một công ty nhỏ chuyên bán hoa quả chế biến. Sản phẩm quả măng cụt và sầu riêng đóng trong hộp kèm nước sốt là sản phẩm bán chạy nhất của công ty, thị trường lớn nhất của công ty là miền nam Trung Quốc. Chủ doanh nghiệp đã quyết định chuyểng sang giao dịch bằng nhân dân tệ thay vì qua đồng đô la Mỹ như mọi khi.
Ông Nutsakol Charoensatit, giám đốc công ty Charoen cho biết: “Tôi thấy giao dịch bằng đồng nhân dân tệ lợi hơn USD vì đồng tiền này rất ổn định, chính vì vậy nắm giữ nhân dân tệ khi hóan đổi sẽ không bao giờ bị thiệt”.
Trung Quốc là một trong những thị trường chính của Thái Lan đối với các mặt hàng hàng hoá như cao su, gỗ lim và gạo. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là đối tác nhập khẩu lớn của Trung Quốc trong số các quốc gia ASEAN. Trước đây, các giao dịch thương mại giữa 2 nước đều sử dụng USD tuy nhiên với sự trồi sụt của USD trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng trực tiếp đồng nhân dân tệ.
Ông Songpol Chevapanyaroj, phó tổng giám đốc Ngân hàng Kasikorn nói: “Các loại hàng hóa đều được ghi giá bằng USD tuy nhiên nếu đổi sang ghi giá bằng đồng nhân dân tệ chắc chắn các doanh nghiệp sẽ giao dịch trực tiếp bằng đồng tiền này nhiều hơn”.
Theo các chuyên gia, giao dịch thương mại bằng nhân dân tệ đã tăng cao trong thời gian qua nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, tuy nhiên có một điều rõ ràng đó những rào cản trong việc sử dụng đồng nhân dân tệ đang dần được xóa bỏ. Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa khu vực kinh tế chung ASEAN và Trung Quốc đang ngày một phát triển thì chắc chắn giao dịch bằng đồng nhân dân tệ cũng sẽ tiếp tục tăng cao.