Khảo sát hơn 11.000 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh trong quý III/2021 có đến 85% doanh nghiệp bị khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiêu thụ sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm, bài toán này càng khó gỡ hơn trong xu hướng "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng.
"Nguyên vật liệu tất cả đều tăng giá, có loại tăng 6 - 7%, có loại tăng đến hơn 60%. Công ty chúng tôi phải tính toán, cố gắng hết sức giữ nguyên giá như giá đã bán ra trong năm 2021", ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho hay.
(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Các doanh nghiệp cũng chọn cách tái cơ cấu lại sản xuất, nghiên cứu và sử dụng các dòng nguyên liệu sẵn có, giá cả phải chăng, giúp giảm giá bán nhưng chất lượng sản phẩm không đổi.
Theo Hội Lương thực, Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, riêng lượng hàng thực phẩm năm nay các doanh nghiệp không tăng nhiều về sản lượng mà chú trọng vào chất lượng và giá cả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, nếu sức mua thị trường tăng lên sẽ lập tức tăng tốc sản xuất thay vì sản xuất trước như mọi năm.
Để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp cũng chủ động triển khai bán hàng đa kênh, chú trọng các hình thức bán hàng trực tuyến cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, với kỳ vọng sức mua tăng trở lại vào dịp cận Tết Nguyên đán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!