“Ứng phó” COVID-19, ngành hàng tiêu dùng đẩy mạnh kích cầu cuối năm

VTV Digital-Thứ năm, ngày 26/11/2020 06:20 GMT+7

VTV.vn - Dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Vì vậy, các DN bán lẻ cần đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu mạnh tay hơn để thu hút khách hàng.

Xu hướng tiêu dùng tiết kiệm sẽ tiếp tục duy trì vào dịp cuối năm

Báo cáo khảo sát niềm tin người tiêu dùng được thực hiện bởi "The Conference Board và Nielsen" cho thấy, trên toàn cầu, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong xu hướng tiết kiệm. Quý II năm nay, với mức độ tăng nhẹ (69 - 72%), Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu trong việc có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, theo sau là Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Điều này được các doanh nghiệp bán lẻ đồng tình và theo họ, xu hướng này vẫn sẽ duy trì đến hết năm nay vì dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường.

"Nhà sản xuất chúng tôi dự tính nhu cầu của người tiêu dùng tăng không nhiều, do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trong khi Tết chúng tôi phục vụ rất nhiều đối tượng khách hàng, cho các hệ thống siêu thị, các cơ quan, xí nghiệp, nên sẽ bị ảnh hưởng", bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh Mứt Kẹo Bảo Minh, cho biết.

"Chúng ta đều biết du lịch, xuất khẩu của mình đều bị ảnh hưởng nên nguồn thu của người dân đang bị thiếu. Cái khó lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn cung cầu không tăng lên, nhưng mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp rất lớn", ông Vũ Thanh Hải, Giám đốc kinh doanh - Tập đoàn Sunhouse, nhận định.

“Ứng phó” COVID-19, ngành hàng tiêu dùng đẩy mạnh kích cầu cuối năm - Ảnh 1.

Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: NLĐ)

"Do ảnh hưởng của COVID-19 nên tiêu dùng của người dân cũng thắt chặt, ưu tiên những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày, còn những nhóm hàng không quan trọng thì chúng tôi thấy có sự ảnh hưởng", bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó TGĐ Công ty Vincommerce - Masan Group, cho hay.

Từ những nhận định trên, các doanh nghiệp cho biết, họ phải tính toán rất kỹ kế hoạch sản xuất, thậm chí, phải chấp nhận tăng chi phí bán hàng, marketing, nghiên cứu sản phẩm để đảm bảo mục tiêu giữ thị phần, giữ chân người tiêu dùng.

Doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí, thay đổi kênh bán để giữ người tiêu dùng

Bếp từ, bếp điện, máy lọc nước là 3 nhóm sản phẩm được doanh nghiệp đẩy mạnh trong dịp cuối năm. Đến thời điểm này, hàng để cung ứng cho Tết đã xong, dự trữ trong kho. Còn 2 tháng tới là cao điểm để họ triển khai các chương trình bán hàng trong cả nước. Khác với năm 2019, năm nay chi phí cho khuyến mại sẽ tăng tới 15 - 20%, chi phí thì tăng, nhưng họ xác định doanh số sẽ không tăng, đổi lại họ sẽ giữ thị phần.

Nếu doanh nghiệp trên tăng chương trình khuyến mại để kéo người tiêu dùng, thì một số doanh nghiệp khác lại thu hút người tiêu dùng bằng sự thuận tiện khi mua hàng. Họ chấp nhận bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư thêm phần mềm bán hàng trực tuyến, kéo theo chiến lược quảng bá sản phẩm, kênh phân phối chuyển dịch mạnh từ trực tiếp sang trực tuyến. Họ đặt mục tiêu doanh thu vụ Tết khoảng 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, dịp Tết cũng là lúc những sản phẩm tiêu dùng nhanh mang tính truyền thống tăng mạnh. Việc đưa hàng vào chuỗi siêu thị hiện đại, cửa hàng tiện ích cũng là hướng đi trong dịp Tết này của các doanh nghiệp.

Siêu thị chuẩn bị hàng Tết, kích cầu "mạnh tay"

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp phân phối cũng "đau đầu" thu hút khách hàng trong dịp cuối năm. Hầu như tất cả các hệ thống siêu thị đã xong phần kế hoạch cho mùa Tết Nguyên đán 2021. Nhiều nơi chấp nhận "co kéo lợi nhuận" để tung khuyến mại, ưu đãi cho các "thượng đế".

Ba tháng trước Tết, một số hệ thống siêu thị đã sẵn sàng kế hoạch cung ứng để gửi cho các đối tác chuẩn bị nguồn hàng. Dù kinh tế "kém sắc" trong suốt một năm qua vì dịch bệnh, họ vẫn dự báo một mùa Tết dù không bùng nổ nhưng vẫn rất lạc quan.

“Ứng phó” COVID-19, ngành hàng tiêu dùng đẩy mạnh kích cầu cuối năm - Ảnh 2.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến thực phẩm được người tiêu dùng tăng chi tiêu. (Ảnh: Dân trí)

"Năm nay không thể đi du lịch bên ngoài, nên việc tụ tập tại nhà càng nhiều hơn. Tôi đánh giá đó là tiềm năng để kinh doanh mùa Tết không quá ảm đạm", bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó TGĐ Công ty Vincommerce - Masan Group, cho hay.

"Báo cáo ảnh hưởng của COVID-19 đến thói quen tiêu dùng" do công ty khảo sát trực tuyến Voice Pick chỉ ra rằng chỉ ngành hàng tiêu dùng nhanh liên quan đến thực phẩm được người tiêu dùng tăng chi tiêu, trong khi tất cả ngành hàng khác đều giảm. Xu hướng này được các doanh nghiệp bán lẻ tham khảo để đưa ra cơ cấu hàng Tết.

"Chúng tôi tập trung cho nhóm hàng ăn uống, những bữa cơm gia đình ngày Tết. Đó là nhóm hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng, tươi sống", bà Thủy cho biết thêm.

Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của người tiêu dùng nên trong mùa mua sắm cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ cần đưa ra những chương trình kích cầu mạnh tay hơn nếu muốn họ xuống tiền.

Nếu tại TP.HCM, chương trình "Khuyến mãi mùa vàng" của thành phố đang diễn ra, thì tại Hà Nội, tháng Khuyến mại 2020 cũng đang được tổ chức và thu hút hàng ngàn doanh nghiệp giảm giá sâu.

10 tháng năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 3.200 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng, với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19 cùng với nhiều chương trình kích cầu được tung ra, thị trường hoàn toàn có thể hy vọng vào mùa mua sắm cuối năm khởi sắc.

Thói quen tiêu dùng chi phối ngành thực phẩm hậu COVID-19 Thói quen tiêu dùng chi phối ngành thực phẩm hậu COVID-19

VTV.vn - Dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng toàn cầu có xu hướng quan tâm các thực phẩm giữ gìn sức khoẻ. Chính những thói quen mới này đang dần chi phối ngành thực phẩm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước