Doanh nghiệp thực phẩm sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm

Nguyễn Hương-Thứ hai, ngày 03/10/2022 10:44 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp tăng thu mua nguyên liệu bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Năm nay, theo Dự báo của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng ngành hàng thực phẩm dịp cuối năm sẽ tăng khoảng 30%.

Thông thường, những tháng cuối năm sẽ là mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm. Đây cũng là tháng cao điểm để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Điểm thuận lợi lúc này là giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã tăng thu mua nguyên liệu, bằng cách đa dạng thêm nhà cung cấp và tối ưu hóa chi phí để sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.

Từ tháng 9, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tích trữ hơn 1.000 tấn gạo và nhập khẩu gần 500 tấn lúa mì. Việc chủ động tích trữ sớm giúp doanh nghiệp tránh được biến động về giá nguyên, vật liệu, biến động tỷ giá.

Sản lượng bún, phở, bánh tráng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu cuối năm dự báo tăng khoảng 30%, do đó theo đại diện doanh nghiệp, việc tích trữ nguyên liệu không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, mà còn là cơ sở để giữ, giảm giá thành sản phẩm.

Doanh nghiệp thực phẩm sẵn sàng đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm - Ảnh 1.

Chế biến xúc xích, giò chả tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)

"Nếu không ổn định sản xuất về nguồn nguyên liệu thì sẽ khó bán được hàng, nhưng hiện tại mình tăng thêm số lượng nhà cung cấp, chủ động được nguồn nguyên liệu", ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh, cho biết.

Giá lợn hơi giảm đã giúp Công ty Vissan có điều kiện chuẩn bị nguồn hàng sớm ngay đầu quý 3. Doanh nghiệp dành hơn 700 tỷ đồng để thu mua 2.000 tấn hàng tươi sống và khoảng 4.500 tấn hàng chế biến.

"Chuẩn bị nguồn nguyên liệu như thế nào để tham gia bình ổn, đối với doanh nghiệp là không lỗ, còn người tiêu dùng thì giá không biến động cao; chuẩn bị trước thì những thiệt hại sẽ được giảm thiểu. Đặc biệt thời gian qua khi Chính phủ đưa giá xăng dầu trở lại bình thường, đây là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp", ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho hay.

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thực phẩm đang có xu hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tích trữ để đảm bảo duy trì sản xuất ổn định và sẽ cân nhắc giảm từ 5 - 15% giá bán sản phẩm hàng hóa.

"Chúng tôi đã có dự trữ ổn định cho tới cuối năm và qua 1 - 2 tháng đầu của năm 2023. Một số mức giá bắt đầu giảm xuống. Các mặt hàng chủ lực theo đó sẽ ổn định trong thời gian từ nay tới cuối năm", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Tuy đang có lợi thế về mặt nguyên liệu, nhưng theo đánh giá của Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp thay vì tích trữ 6 tháng như mọi năm, nay chỉ khoảng 3 tháng, bởi thiếu vốn phục vụ cho sản xuất. Các doanh nghiệp đang xoay xở bằng nhiều cách để vừa ổn định sản xuất, vừa không tăng áp lực tài chính.

Siêu thị kích cầu - người tiêu dùng hưởng lợi Siêu thị kích cầu - người tiêu dùng hưởng lợi

VTV.vn - Nhiều chuỗi bán lẻ và hệ thống siêu thị tranh thủ cơ hội sức mua tăng mạnh dịp cuối năm để đưa ra nhiều chương trình siêu khuyến mại, bình ổn giá từ đây đến cuối năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước