Từ 1/1/2018 sẽ thay đổi căn cứ tính bảo hiểm xã hội theo hướng tăng mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Theo thông tin cung cấp từ bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến mức đóng này sẽ tăng thêm từ 5%-7% đối với các doanh nghiệp nội địa, và tăng từ 8%-9% đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù mức đóng sẽ tăng thêm, tuy nhiên, trái với nhiều thông tin hiểu nhầm trên mạng thời gian gần đây, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ không phải tính trên căn cứ tổng thu nhập, mà chỉ tính trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Như vậy, so với cách tính hiện nay, sẽ chỉ có thêm các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động đưa vào làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội.
Vẫn có những khoản không được đưa vào làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội, bao gồm các khoản chi trả không cố định, như tiền thưởng theo hiệu quả công việc; tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca; và các khoản hỗ trợ người lao động khác.
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội là nhằm tạo điều kiện cho người lao động có mức thụ hưởng cao hơn. Thậm chí so với khu vực ASEAN 6, tỷ suất đóng bảo hiểm xã hội trên lợi nhuận ròng của doanh nghiêp Việt Nam hiện đang cao gấp đôi. Thế nhưng với mức đóng như vậy, không ít doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp lách luật, thỏa hiệp riêng với người lao động để tránh nộp bảo hiểm xã hội.
Trợ cấp ma chay, hiếu hỉ, trợ cấp thăm khám, trợ cấp nghỉ dưỡng... là cách một doanh nghiệp tối giản mức lương cơ bản chi trả cho người lao động, cũng có nghĩa là tối giản chi phí bảo hiểm xã hội phải nộp. Đại diện doanh nghiệp chia sẻ, kể cả theo quy định từ đầu năm tới, đưa thêm nhiều khoản vào tính bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp vẫn có cách để lách luật. Bản thân không ít người lao động hiện cũng không muốn nộp bảo hiểm xã hội, bởi chưa nhận thức được hết lợi ích lâu dài.
Theo một khảo sát của Hội tư vấn thuế, 100% doanh nghiệp nội địa được khảo sát đều tìm cách để lách quy định đóng bảo hiểm xã hội, với nhiều chiêu trò khác nhau. Theo luật sư, quy định từ đầu năm tới cũng chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này.
Thừa nhận thực tế này, đại diện BHXH Việt Nam chia sẻ, cơ quan này hiện đã có thêm chức năng thanh kiểm tra. Và trong gần một năm qua, đã đào tạo hơn 1.000 thanh tra viên, nhằm phối hợp với các địa phương, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra trong thời gian tới.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, cũng từ đầu năm tới, tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ là tội danh hình sự. Và cơ quan này sẽ phối hợp với tổng liên đoàn lao động Việt Nam để đẩy mạnh công tác khởi kiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!