Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, hàng trăm công nhân khốn khổ

Anh Tuấn-Thứ ba, ngày 19/10/2021 20:28 GMT+7

VTV.vn - Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đang là vấn đề báo động.

Tình trạng này không chỉ gây ra những hệ lụy trực tiếp đến người lao động, mà còn gây nhiều phiền toái cho cơ quan bảo hiểm, các cơ quan quản lý lao động.

Thời gian qua, ngoài nỗi lo thất nghiệp do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hàng trăm công nhân đã từng làm việc cho Công ty Cổ phần Ô tô 1/5 (ở huyện Đông Anh, Hà Nội) còn có một nỗi lo khác khi bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài trong thời gian gần 3 năm nay. Điều này khiến người lao động thiệt thòi đủ đường, không được hưởng những quyền lợi của bảo hiểm xã hội, lẽ ra họ là người được hưởng.

Dù vẫn đang là công nhân của Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, nhưng hiện anh Kiểm mới được đóng bảo hiểm xã hội đến tháng 8/2016. Trừ đi thời gian nghỉ việc không lương, 3 năm là khoảng thời gian anh quần quật làm việc mà không được doanh nghiệp đóng bất cứ khoản bảo hiểm nào.

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, hàng trăm công nhân khốn khổ - Ảnh 1.

Hơn 200 công nhân khi còn làm việc tại Công ty Cổ phần Ô tô 1/5 cũng chỉ được đóng các khoản bảo hiểm đến tháng 8/2016.

"Trích lương hàng tháng của tôi mà không đóng cho nhà nước. Bây giờ tôi bị tai nạn là không được quyền lợi gì cả", anh Nguyễn Văn Kiểm cho biết.

Chung tình cảnh, hơn 200 công nhân khi còn làm việc tại doanh nghiệp này cũng chỉ được đóng các khoản bảo hiểm đến tháng 8/2016. Tính đến nay, người bị nợ bảo hiểm xã hội nhiều nhất là gần 5 năm, người ít cũng hơn 1 năm.

"Bản thân đến bệnh viện xin làm thẻ mới nhưng không được. Nếu muốn đi khám bệnh thì tự bỏ 100% tiền túi mình ra thôi", anh Lê Phú Tân, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, cho hay.

Vì công ty nợ tiền đóng bảo hiểm, nên đến nay, chị Vân vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ thai sản trong thời gian nghỉ việc sinh con. Theo nhẩm tính, số tiền lẽ ra chị được hưởng theo chế độ của bảo hiểm là hơn 32 triệu đồng.

"Chế độ đó sẽ giúp chúng tôi rất nhiều tiền mua bỉm sữa, hoặc hỗ trợ một phần kinh tế trong lúc nghỉ thai sản chúng tôi không làm ra một đồng lương nào", chị Trần Thị Hồng Vân, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, nói.

"Công ty đã hứa bao nhiêu lần đã không thực hiện. Lần này có gói an sinh bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi có được hưởng không. Còn những anh em khác cũng thế, cũng rất nhiều", chị Nguyễn Hải Hà, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, bức xúc nói.

Không muốn thấp thỏm chờ đợi, hôm nay là lần thứ 4 họ cùng có mặt tại công ty để mong muốn có được câu trả lời rõ ràng của lãnh đạo doanh nghiệp về việc có được nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp và giải quyết khoản nợ bảo hiểm xã hội hay không.

Nhưng bảo vệ không cho vào, gọi điện cho lãnh đạo công ty thì không ai bắt máy, nên họ lại đành phải quay về khi chưa nhận được bất  kỳ câu trả lời nào từ doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh, đến nay, Công ty Cổ phần Ô tô 1/5 đang nợ cơ quan bảo hiểm gần 15 tỷ đồng gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi.

"Khi liên hệ với lãnh đạo doanh nghiệp thì rất khó tiếp cận. Phần lớn chỉ cho Phó Tổng Giám đốc giúp việc ra nghe ý kiến và hứa giải quyết dẫn đến việc thực hiện không được nghiêm túc", ông Đào Minh Châu, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh, cho biết.

Làm việc với cơ quan bảo hiểm, phía doanh nghiệp cũng chưa đưa ra thời gian cụ thể mà chỉ cam kết chung chung: "Cố gắng nộp trong thời hạn gần nhất khi có kinh phí".

Bất thường quy định góp vốn?

Công ty Cổ phần Ô tô 1/5 là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe ô tô khách, ô tô bus. Theo báo cáo của công ty này, từ năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động sản xuất bị đình trệ. Đến tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp mới trả hết tiền nợ lương của người lao động từ 2 năm trước.

Không chỉ bị nợ bảo hiểm xã hội, mà theo phản ánh của người lao động, đến nay họ còn gặp nhiều thiệt thòi khi tham gia góp vốn cho doanh nghiệp tại thời điểm mới vào làm việc, cách đây gần 20 năm trước.

2 triệu đồng là số tiền chị Hà nộp để góp vốn cho Công ty Cổ phần Ô tô 1/5 khi bắt đầu vào làm việc thời điểm năm 2003.

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, hàng trăm công nhân khốn khổ - Ảnh 2.

Không chỉ bị nợ bảo hiểm xã hội, mà theo phản ánh của người lao động, đến nay họ còn gặp nhiều thiệt thòi khi tham gia góp vốn cho doanh nghiệp tại thời điểm mới vào làm việc.

"Với số tiền trị giá 2 triệu đồng đấy, tôi có thể mua được hơn 3 chỉ vàng. Đấy là thời bấy giờ", chị Nguyễn Hải Hà, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, nói.

Theo phản ánh của nhiều công nhân lao động, ngoài việc nộp 2 triệu đồng tiền góp vốn, trong 2 năm làm việc đầu tiên, mỗi tháng doanh nghiệp sẽ giữ lại 10% lương.

Trong bản quy chế tạm thời của doanh nghiệp cũng nêu rõ: "Vốn góp theo nguyên tắc vay vốn và trả lãi hàng năm".

"Từ 2003 đến giờ không được đồng nào hết. Được trả tiền gốc là may, tiền lãi làm sao có được", bà Ngô Thị Mỹ, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, bày tỏ.

"Tiền góp vào lấy ra đã khó nói gì đến tiền lãi. Chỉ có những người bệnh hiểm nghèo may ra được lấy khoảng bao nhiêu %, nhưng không lấy được hết", anh Lê Phú Tân, công nhân Công ty Cổ phần Ô tô 1/5, cho biết.

"Việc doanh nghiệp giữ lại lương cụ thể nếu nó là sự thỏa thuận đóng góp cổ phần vào để được hưởng cổ tức hay là được trả lãi thì việc đó là thỏa thuận về dân sự. Để xác định đúng sai thì cần phải xác minh", bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, nhận định.

Còn theo luật sư Trần Tuấn Anh, trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp giữ lương người lao động và ban hành riêng quy chế về huy động vốn vay của cán bộ công nhân viên thì không phải là thỏa thuận.

Trong văn bản trả lời mới đây, phía doanh nghiệp cho biết sẽ có kế hoạch chi trả dần tiền góp vốn cho người lao động từ quý 2/2022. Tuy nhiên vì không chờ đợi thêm được nữa, hiện những người lao động này đã gửi đơn kiện đến Tòa án nhân dân huyện Đông Anh để đòi quyền lợi của mình.

Người dân tăng mua bảo hiểm trong làn sóng dịch COVID-19 Người dân tăng mua bảo hiểm trong làn sóng dịch COVID-19

VTV.vn - Theo số liệu do Công ty nghiên cứu thị trường YouGov mới công bố, hơn 1/4 người tiêu dùng Việt Nam mua các sản phẩm bảo hiểm nhiều hơn trong làn sóng dịch COVID-19 thứ 4.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước