Quyết định của SEC được đưa ra trong bối cảnh giới đầu tư Mỹ đang ngày càng lo ngại về động thái thắt chặt quản lý của Bắc Kinh nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc đang niêm yết tại Phố Wall.
Các nguồn tin cho biết, SEC đã yêu cầu các công ty Trung Quốc không nộp bất kỳ đăng ký phát hành chứng khoán nào cho đến khi có thể cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về những rủi ro pháp lý mà họ đang phải đối mặt tại quê nhà.
Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: AP)
Hiện chưa rõ sự đình chỉ này sẽ kéo dài trong bao lâu. Kể từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh niêm yết tại thị trường Mỹ, thu hút số vốn kỷ lục lên tới 12,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ thực hiện các thương vụ niêm yết đang giảm dần trong thời gian qua, sau khi giới chức Trung Quốc liên tục gia tăng sức ép lên các hãng công nghệ và giáo dục trực tuyến. Từ tháng 2 đến nay, khoản lỗ của cổ phiếu giáo dục và công nghệ Trung Quốc đã vượt mức 1.000 tỷ USD.
Trong khi đó, SEC cũng đã phải đối mặt với áp lực từ Quốc hội Mỹ trong việc tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc khi cổ phiếu của Didi Global lao dốc sau đợt IPO tại Mỹ đầu tháng này.
Bất chấp những quan ngại của cơ quan an ninh mạng về việc dữ liệu người dùng mà Didi đang nắm giữ, hãng đã tiến hành IPO tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) hôm 30/6, thu về 4,4 tỷ USD. Đây là một trong những vụ IPO lớn nhất của một công ty Trung Quốc tại Mỹ.
Ngay sau khi Didi hoàn thành IPO, Trung Quốc thông báo tiến hành rà soát bảo mật và hạn chế hãng gọi xe này có thêm khách hàng mới. Điều này đã khiến cổ phiếu của hãng giảm sâu, giá trị vốn hóa “bốc hơi” hàng chục tỷ USD.
Sau đó, các nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục SEC điều tra Didi để tìm hiểu xem liệu công ty này có hiểu rõ những động thái mà Trung Quốc đang tiến hành và khả năng khiến nhà đầu tư Mỹ chịu rủi ro.
Các công ty Trung Quốc niêm yết tại New York là một nguồn doanh thu béo bở cho các ngân hàng phố Wall đứng ra bảo lãnh các thương vụ này. Tuy nhiên vào đầu tháng này, Trung Quốc đã đề xuất các quy tắc mới yêu cầu gần như tất cả công ty muốn niêm yết ở nước ngoài phải trải qua một cuộc đánh giá an ninh mạng. Đây là một động thái tăng cường đáng kể khả năng giám sát của họ.
Sự thắt chặt quy định khiến khe cửa IPO tại Mỹ gần như hẹp lại với nhiều hãng khởi nghiệp Trung Quốc muốn đến nước này để tìm kiếm thị trường vốn sâu, quy trình niêm yết hợp lý và cơ sở nhà đầu tư rộng lớn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!