Kỳ 2: Doanh nghiệp vận tải biển đang trên đà phục hồi

Trần Hùng-Thứ năm, ngày 17/03/2022 12:56 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và kéo dài, thế nhưng doanh nghiệp vận tải biển vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực năm 2021.

Vận tải đường biển tiếp tục phục hồi và bứt phá

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 bùng phát tiếp tục đẩy ngành hàng hải vào thế khó. Hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới bị ngưng trệ, đã kéo nhu cầu thương mại toàn cầu bị suy giảm. Các cảng biển buộc phải đóng cửa do các yêu cầu giãn cách xã hội. Tuy nhiên điều đó lại không làm ngành vận tải biển giảm sút, trái lại còn tăng cả về tần suất và trữ lượng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Đình Việt, trong năm 2021, mặc dù hoạt động hàng hải chịu tác động lớn từ dịch COVID-19, song tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020.

Theo đó, diễn biến giá cước tăng và tắc nghẽn cảng trầm trọng như kể trên, các doanh nghiệp vận tải biển lên như "diều gặp gió". Đáng chú ý nhất là nhóm vận tải biển, Công ty cổ phần Vận tải và xếp dỡ Hải An với danh mục gồm 8 tàu biển đã công bố kết quả doanh thu năm 2021 là 1.955 tỷ, tăng 64%, lợi nhuận sau thuế là 446 tỷ, tăng 223% so với năm 2020. Bên cạnh giá cước tăng, công ty cũng hưởng lợi từ giá cho thuê tàu dài hạn ở mức cao. Hiện đơn vị cho thuê định hạn 4/8 tàu, trong đó giá cho thuê nhiều tàu hiện gấp đôi so với thời điểm đầu năm.

Kế đến là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) công bố doanh thu đạt hơn 19.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng bất ngờ thoát lỗ trong hai quý II và III năm ngoái, dẫn đến lợi nhuận lũy kế 9 tháng đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động. Nhiều đơn vị vận tải biển khác như Vinaship hay Đông Đô cũng báo lãi sau nhiều năm chìm trong "biển lỗ".

Kỳ 2: Doanh nghiệp vận tải biển đang trên đà phục hồi - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp vận tải biển báo cáo lợi nhuận tăng vọt năm 2021

Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2020 và 2021, toàn nhân loại chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 gây ra nhưng nó lại không làm ngành vận tải biển giảm sút, trái lại còn tăng cả về tần suất và trữ lượng. Thế nhưng, trong "nguy" có "cơ". Do nhu cầu tiêu thụ các hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh bùng phát. 

Các mặt hàng như: thực phẩm, đồ dùng y tế, vật dụng cá nhân… ở các thị trường lớn nước ngoài tăng trong khi đó Việt Nam lại có nguồn lực lớn trong việc cung ứng. Bên cạnh đó là nhu cầu phục hồi kinh tế sản xuất sau đại dịch, các nhà máy ở Việt Nam cũng cần nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu lớn để sản xuất, hàng hóa thương mại phục vụ tiêu dùng trong nước. 

Đồng thời, Việt Nam có sự chuẩn bị tốt về các kế hoạch và chiến lược phòng dịch COVID-19. Mục tiêu phòng dịch và phát triển kinh tế thời điểm đó được xác định là mục tiêu kép để đảm bảo an toàn cho người dân và đáp ứng tối đa sản lượng cung ứng xuất khẩu.

Như vậy, mới nền móng từ năm 2021 được thiết lập, cùng sự chuyển mình với những xu hướng mới, các doanh nghiệp vận tải biển được cho là vẫn tiếp tục một năm 2022 bứt phá.

Cơ hội và thách thứcđang chờ doanh nghiệp vận tải biển

Tại báo cáo "Triển vọng ngành cảng biển năm 2022", các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tỷ lệ tiêm chủng cao, đặc biệt là tại các thành phố lớn, là yếu tố hỗ trợ hoạt động cảng biển được thông suốt. Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa sẽ được khôi phục và ít có khả năng bị áp dụng các biện pháp phong tỏa quy mô lớn như năm ngoái.

Từ thực tế về nhu cầu vận chuyển mạnh mẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu tái dự trữ hàng tồn kho, tăng trưởng sản lượng cảng có thể cải thiện từ mức thấp trong năm 2021 nói ở trên, hay đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển nếu được thông qua… Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự tiếp tục lên ngôi của ngành vận tải biển trong năm 2022. Thậm chí, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ thiết lập nền lợi nhuận mới trong giai đoạn tới.

Trên thực tế, với lợi nhuận cao, nhiều hãng tàu đang tích cực củng cố nội lực để tiếp tục duy trì vị thế. Bên cạnh hoạt động truyền thống là đặt đóng những con tàu mới, vốn tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua, thì một số hãng tàu lớn đã có những chiến lược riêng của mình để.

Theo các chuyên gia, giai đoạn giá cước thuận lợi đã đem đến cho các doanh nghiệp vận tải container nguồn lực tài chính dồi dào cho kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu. Qua đó, giảm thiểu áp lực đến kết quả kinh doanh trong giai đoạn giá cước sụt giảm.

 Về dài hạn, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp vận tải container Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Nhất là khi doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sở hữu lợi thế vượt trội và hưởng lợi từ nhu cầu lớn của hoạt động vận tải container nội thủy kết nối các điểm tập kết hàng hóa, cảng nội địa và cảng nước sâu. Hoạt động vận tải đường thủy đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm so với vận tải đường bộ trong giai đoạn dịch bệnh.

Kỳ 2: Doanh nghiệp vận tải biển đang trên đà phục hồi - Ảnh 2.

Thủ tướng kiểm tra hoạt động Cảng Quốc tế Lạch Huyện

Nền kinh tế sản xuất đang dần phục hồi và đà tăng trưởng ấn tượng, sản lượng xuất nhập khẩu gia tăng tạo cơ hội gia tăng giá trị vì vậy, đòi hỏi năng lực phục vụ của vận tải biển phải được nâng cao. 

Việc kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh thành công trong năm 2022 sẽ tạo cơ hội rất lớn cho ngành vận tải biển nói chung và doanh nghiệp vận tải biển nói riêng khi hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định, phát triển. Đây là cơ hội rất lớn để bản thân các doanh nghiệp tái cơ cấu, đầu tư nhân lực và vật lực nhằm thúc đẩy ngành vận tải biển biển tiếp tục phục hồi và bứt phá.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước