7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, giảm tốc so với cùng kỳ. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, giảm 4,5%; nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày giảm gần 16%.
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguồn cung linh kiện đầu vào
Sự lây lan của COVID-19 đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Thiếu hụt nguồn cung - đây là mấu nối bị gãy trầm trọng nhất khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát hồi tháng 2. Vì quá phụ thuộc vào một số ít thị trường nên nhiều nhà máy, doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất.
Những tưởng sau 5 tháng, doanh nghiệp có thể đa dạng hóa nguồn cung để chủ động thích nghi, thế nhưng, với những ngành hàng đặc thù như linh kiện điện tử, khó khăn vẫn hoàn khó khăn, thậm chí còn trầm trọng hơn. Tại một số doanh nghiệp, những kho hàng vẫn thưa thớt nguyên vật liệu.
Doanh nghiệp Việt cần những chiến lược bài bản hơn nhằm giảm tính dễ bị tổn thương. (Ảnh: Dân trí)
Thiếu hụt đầu vào dẫn đến gián đoạn sản xuất là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử trong nước. Hàn Quốc vốn là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam, nhưng 6 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu đã giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng sụt giảm mạnh nhập khẩu nguyên liệu đầu vào là ngành dệt may, da giày. 6 tháng đầu năm, mức giảm của nhóm ngành này lên đến gần 16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù sụt giảm nhưng doanh nghiệp sản xuất lại không thiếu nguyên liệu như cách đây 5 tháng.
Nhập khẩu nguyên liệu của nhóm ngành này giảm trong 6 tháng đầu năm là do các doanh nghiệp đã mua thêm nguyên liệu từ nguồn trong nước, tuy nhiên lý do lớn hơn là họ đang thiếu đơn hàng, tức họ đang buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng.
Nhập khẩu nguyên liệu của nhóm ngành dệt may, da giày giảm trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh: Dân trí)
Trong ngành dệt may, tình trạng hủy đơn hàng, giãn đơn hàng xảy ra rất nghiêm trọng trong quý I/2020, nhiều doanh nghiệp giảm doanh thu lên đến 20%. Thời gian mở LC cũng kéo dài, nếu trước đây là 60 ngày, thì nay là 120 ngày.
Dự báo từ nay đến cuối năm, ngành dệt may sẽ giảm từ 30% - 50% lượng đơn hàng. Tương tự ngành da giày, điều khó khăn nhất vẫn là các đơn đặt hàng, nhất là hai thị trường chủ lực như Mỹ và EU gặp khó khăn khiến mỗi tháng tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này mất đi 500 triệu USD. Thậm chí, có những thị trường tiềm năng nhất, sự suy giảm là 2 con số.
Định hình chuỗi sản xuất từ sự đứt gãy do COVID-19
Mới đây, theo kết quả khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về COVID-19 do PwC công bố, có đến 51% xác định và phát triển thêm nguồn cung thay thế; 45% cho rằng cần thay đổi linh hoạt các điều khoản hợp đồng. HSBC cũng đưa ra những con số đáng chú ý giúp định hình chuỗi sản xuất mới từ sự đứt gãy do COVID-19 đưa ra.
Báo cáo của HSBC cho thấy, 17% doanh nghiệp châu Á đang tìm kiếm các nhà cung cấp ở gần hơn; 20% doanh nghiệp tìm cách mở rộng các đối tác của mình trong chuỗi sản xuất như một chiến lược sống còn.
Trong khi đó, khảo sát lãnh đạo tài chính toàn cầu về COVID-19 được PwC thực hiện cũng nhận định tìm nguồn cung thay thế là vấn đề cấp bách trong chiến lược chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Thiếu hụt đầu vào dẫn đến gián đoạn sản xuất là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử trong nước. (Ảnh: Dân trí)
Ngoài việc phơi bày những mắt xích yếu nhất của chuỗi cung ứng, ngược lại COVID-19 cũng đóng vai trò tín hiệu cảnh báo để đa dạng hóa chuỗi sản xuất, tránh rủi ro tập trung trên một thị trường cụ thể. Một số chuyên gia cũng nhận định, đối với Việt Nam, lợi thế khi EVFTA được thực thi cũng là tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp thiết kế lại chuỗi cung ứng, đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu.
Nhiều dự báo chỉ ra, chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ có những yếu tố về hiệu suất hay chi phí, mà với COVID-19, các yếu tố về độ an toàn hay khả năng thích ứng của chuỗi cũng quan trọng không kém. Vì vậy, về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần những chiến lược bài bản hơn nhằm giảm tính dễ bị tổn thương và dự báo nhu cầu của thế giới về chuỗi sản xuất.
Để hàn gắn mối hàn đầu ra, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường mới. Còn với mối nối đầu vào, dù doanh nghiệp Việt chưa thể sản xuất các sản phẩm thay thế, nhưng việc đón nhận các doanh nghiệp hỗ trợ FDI chất lượng cao dịch chuyển về Việt Nam, ví dụ như 15 doanh nghiệp của Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến trong thời gian tới, cũng là giải pháp hữu hiệu để có ngay nguồn cung trong nước, đồng thời đón nhận chuyển giao công nghệ. Như vậy, các doanh nghiệp có thể chủ động được nguồn cung và hàn gắn được các chuỗi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!