Trong một báo cáo vừa công bố của PWC, khảo sát tại gần 300 doanh nghiệp, có đến hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng sẵn sàng cam kết thực hành các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang tích cực hướng đến các yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, đóng góp vào việc hiện thực hóa cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm sự sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến các yếu tố phát triển bền vững, vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo của PWC cũng cho thấy, đa phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG, thì hơn một nửa các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam còn đang tiếp cận với tâm thế "quan sát và chờ đợi".
Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm "vàng" để các doanh nghiệp bắt đầu thực hành các yếu tố ESG. (Ảnh minh họa - Ảnh: Iberdrola)
Tuy nhiên, con số hơn 80% cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm và niềm tin của các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh bền vững.
"Với kết quả khảo sát, tôi cảm thấy rất kỳ vọng với xu hướng sắp tới về thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam. Các mức độ trưởng thành để thực hành ESG có thể khác nhau ở từng doanh nghiệp, nhưng mỗi doanh nghiệp vẫn có thể lựa chọn được con đường đi của mình cho mục tiêu phát triển bền vững của chính doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG, PwC Việt Nam, đánh giá.
Chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia đều cho rằng đây là thời điểm "vàng" để các doanh nghiệp bắt đầu thực hành các yếu tố ESG.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cũng đang đối diện với nhiều thách thức như còn thiếu kiến thức về làm sao để vận hành ESG, năng lực của ban lãnh đạo… và gần một nửa doanh nghiệp khảo sát cho biết chưa có kế hoạch thiết lập các chương trình đào tạo về phát triển bền vững.
"Việc đầu tư cho ESG sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tiên phong cho xu hướng phát triển xanh, bền vững còn giúp doanh nghiệp tìm ra những hướng kinh doanh mới, sản phẩm mới…, tạo được sự khác biệt cho thương hiệu của mình. Ngoài ra, họ còn có thể thu hút được những đối tác, dòng vốn đầu tư chất lượng hơn", ông Andrew Chan, Lãnh đạo Phát triển Bền vững & Biến đổi Khí hậu Đông Nam Á, PwC Trung tâm Bền vững châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có các khung quy định cụ thể để thực hành các yếu tố ESG, những hướng dẫn cho các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn đơn giản. Do đó, việc triển khai một khung hướng dẫn rõ ràng, cùng với các chính sách khuyến khích về tín dụng xanh, thuế… sẽ là những động lực giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các cam kết phát triển xanh, bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!