Việt Nam quyết tâm phát triển kinh tế xanh

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 04/02/2022 21:02 GMT+7

Ảnh minh họa.

VTV.vn - Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét về phát triển kinh tế xanh thông qua những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 26.

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã mạnh mẽ cam kết đến năm 2050 đạt cân bằng phát thải, tức phát thải ròng bằng 0; nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên trên 30% tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%.

Ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi hệ sinh thái là ưu tiên hàng đầu của mọi chính sách phát triển tại Việt Nam, đồng thời là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cá nhân.

Việc một nước đang phát triển như Việt Nam cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 gây ấn tượng mạnh mẽ, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam.

"Chúng tôi rất hoan nghênh các cam kết của Thủ tướng tại COP 26 về việc Việt Nam trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050. Các công ty của Mỹ mạnh về công nghệ và nguồn vốn và chúng tôi thực sự muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam cũng như khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho tương lai", bà Mary Tary Tarnowka - Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam cho hay.

Trong các chuyến công du và các sự kiện quốc tế, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đều luôn khẳng định quyết tâm phát triển kinh tế xanh, kêu gọi các doanh nghiệp và các đối tác quốc tế đầu tư phát triển xanh ở Việt Nam, với thông điệp đầu tư vào kinh tế xanh chính là đầu tư cho tương lai.

Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho hay: "Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để giúp Việt Nam chuyển dịch ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, cũng như hỗ trợ người dân thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu".

"Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đã vạch ra một lộ trình rõ ràng để chống lại biến đổi khí hậu và nghiêm túc đầu tư vào năng lượng xanh. Các nước Bắc Âu đang dẫn đầu thế giới về năng lượng xanh. Chúng tôi cũng có thể hỗ trợ phát triển lưới điện quốc gia và quản lý chất thải ở Việt Nam", ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam cho hay.

Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 không chỉ thể hiện trách nhiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn là sự lựa chọn đúng đắn trong việc phát triển đất nước theo hướng bền vững. 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh nguồn lực của chính mình, Việt Nam cần huy động hỗ trợ tài chính từ các đối tác quốc tế và những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị.

Theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2021, với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào và năng lượng gió phong phú, Việt Nam là nước có tiềm năng chuyển đổi xanh lớn nhất trong khu vực và sẽ là một trung tâm về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam xếp thứ 8 trong top 10 quốc gia có đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trên thế giới, với tổng vốn đạt 7,4 tỷ USD.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước