Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm bảo hiểm đơn hàng khi thanh toán xuyên biên giới

Đ.Huyền-Thứ năm, ngày 02/11/2023 20:42 GMT+7

VTV.vn - Nhà cung cấp trong nước dần quan tâm tìm kiếm bảo hiểm đơn hàng khi giao dịch trên sàn TMĐT quốc tế, điều này giúp các SME định vị gian hàng và an toàn trong thanh toán.

Chuyển đổi kinh doanh lên sàn thương mại điện tử từ giữa năm 2020, ông Nguyễn Văn Thông, CEO của TT Garment chia sẻ, thời gian đầu gặp rất nhiều thách thức. Từ việc tìm kiếm đối tác đến xác minh, bán hàng và thanh toán. Lường trước được rủi ro nhưng doanh nghiệp này cũng từng bị thiệt hại đơn hàng 6.000 USD đến từ một nhà mua ngoại quốc.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm bảo hiểm đơn hàng khi thanh toán xuyên biên giới - Ảnh 1.

80% sản phẩm hàng may mặc, phụ kiện thời trang của doanh nghiệp được bán thông qua sàn TMĐT.

Trong giai đoạn bùng nổ các nhà cung cấp lên sàn TMĐT như thời gian qua, không ít vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại xảy ra.

Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) từng lưu ý những rủi ro khi giao dịch qua sàn thương mại điện tử. Trong đó nhấn mạnh vào việc khó kiểm tra, đối chiếu thông tin từ nhà cung cấp, chất lượng và số lượng hàng hoá. Thứ 2 là vấn đề thanh toán cũng như khả năng chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tranh chấp khi giao dịch.

Bà Summer Gao, Giám Đốc Dịch vụ Chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com cũng nhìn nhận, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam khi tham gia và chuỗi cung ứng và thanh toán TMĐT toàn cầu còn gặp nhiều thách thức. Tìm kiếm khách hàng đã khó, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành sự thật lại càng khó hơn và các nhà cung cấp vừa và nhỏ trên sàn cần những công cụ hỗ trợ để định vị mình tốt hơn trên sàn, đặc biệt là khi thanh toán.

Đầu tháng 9/2023, Alibaba.com đã bắt đầu cung cấp dịch vụ bảo hành đơn hàng (Trade Assurance) dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam khi tham gia sàn TMĐT này. Với mỗi đơn hàng trị giá thanh toán 5.000 USD các doanh nghiệp sẽ trả phí dịch vụ khoảng 2,99 USD cho dịch vụ bảo hiểm. Alibaba sẽ đứng ra làm đơn vị trung gian bảo đảm quyền lợi cho cả nhà mua và nhà bán trên sàn.

"Trước khi đưa bảo hiểm đơn hàng đến Việt Nam, chúng tôi đã phải nghiên cứu khảo sát rất kỹ thị trường, hành vi của các nhà mua, nhà bán trên sàn" bà Gao nói. Bà cũng cho biết thêm, sự lớn mạnh của các nhà mua và bán, sự tìm kiếm của các nhà mua quốc tế đến doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước đã thúc đẩy Alibaba.com triển khai dịch vụ này.

Dù mới triển khai được một tháng, nhưng với doanh nghiệp có đến hơn 80% đơn hàng xuất khẩu qua sàn như TT Garment, ông Thông, chủ doanh nghiệp cho biết đây là dịch vụ phù hợp mà đơn vị đang tìm kiếm. "Mới ứng dụng được một tháng, chưa đánh giá được sự tăng trưởng qua dịch vụ nhưng nó làm tăng độ tin tưởng gian hàng của mình lên trong mắt đối tác, giúp gian hàng của mình mạnh lên trên sàn".

Hiện tại, dịch vụ bảo hiểm mà Alibaba.com cung cấp cho các doanh nghiệp tham gia sàn của họ đã mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mới chỉ dừng lại cho các đơn hàng trị giá tối đa 5.000 USD, hướng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyên xuất khẩu hàng tiêu dùng hoặc nông sản chế biến.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm bảo hiểm đơn hàng khi thanh toán xuyên biên giới - Ảnh 2.

Theo doanh nghiệp, bảo hiểm đơn hàng giúp gian hàng của họ tăng được độ tin tưởng trên sàn TMĐT quốc tế.

Ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, sự quan tâm của các nhà mua quốc tế đến thị trường Việt Nam tăng lên 47%. Số lượng sản phẩm được giới thiệu trên sàn cũng tăng 24%.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm bảo hiểm đơn hàng khi thanh toán xuyên biên giới - Ảnh 3.

Ông Roger Luo (cầm micro), Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com.

Dựa trên dữ liệu nội bộ của sàn TMĐT này, một nhà cung cấp đã có mức tăng đáng kể 28% về khả năng hiển thị trong tìm kiếm, tỉ lệ nhấp truy cập tăng 26% trong vòng một tháng kể từ khi áp dụng dịch vụ Trade Assurance. Một nhà cung cấp khác đã đạt được mức độ hiển thị trong tìm kiếm tăng 13%, tỉ lệ truy cập được cải thiện 23% và số lượng người mua tích cực tăng 60%.

Tại Việt Nam, theo một kết quả khảo sát do PwC Việt Nam thực hiện trong năm 2022, có 52% doanh nghiệp cho biết họ đã từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Con số này cao hơn mức 46% của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.

Sử dụng dịch vụ bảo hiểm để định vị uy tín mình và xác minh được đối tác, tránh rủi ro trên sàn là TMĐT điều doanh nghiệp SME đang bắt đầu tìm kiếm. Tuy nhiên, "các doanh nghiệp lên sàn cần đảo bảo uy tín, chất lượng và tiến độ giao hàng với đối tác, không thể làm hời hợt. Ngoài ra các giấy tờ chứng từ phải đúng với thực tế, như vậy sẽ bảo đảm quyền lợi khi tham gia thanh toán", ông Thông tư vấn thêm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước